Chiếc nắp cống và nỗi đau người ở lại

Trần Chánh Nghĩa| 02/11/2022 08:20

Bức di ảnh trên cỗ áo quan là một người phụ nữ trung niên. Gương mặt phúc hậu, ánh mắt sâu thẳm. Mái tóc dài xỏa xuống thể hiện đủ nét đặc trưng người phụ nữ miền nam. Nhiều người đến viếng thẫn thờ nhìn chị. Mới đó thôi chị đã không còn . . .

Nhọc nhằn đôi vai

Đám tang được tổ chức trong con hẻm sâu, dài ngoằn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Không tiếng kèn tiếng trống. Cả xóm lao động nghèo này bổng dưng trầm xuống. Sự ra đi của chị Đặng Thị Hồng người phụ nữ đang độ tuổi sắp bước vào chiều, bán mủ nón trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã làm cho cư dân tại đây thương tiếc.

Chồng và 2 con bên quan tài chị Hồng

Trong quán nước gần đó, tiếng bàn tán râm ran. Mỗi người một câu. Ai cũng bày tỏ tình cảm trước cái chết đột ngột, chóng vánh của chị. Mới hồi sáng còn gặp chị đây, chị còn nở nụ cười, còn trao nhau những câu bông đùa. Vậy mà giờ đây, chị nép mình trong chiếc quan tài chật hẹp.

Dường như mọi người đều thân thiết với chị. Một cụ già chép miệng: “vợ chồng nó về xóm này đã lâu từ khi 2 đứa con nó còn học tiểu học. Giờ đây, đứa lớn tốt nghiệp đại học đã đi làm. Đứa nhỏ còn đang trên ghế giảng đường. Có được kết quả đó trong thời buổi này đủ biết chúng nó vất vả thế nào rồi”.

Chỉ có người lao động mới hiểu hết nỗi khổ của nhau. Suốt ngày vật lộn với cuộc sống, hai vợ chồng chị Hồng làm nhiều nghề miễn sao có tiền nuôi con. Chị ngồi ở hông sở thú này từ những năm giữa thập niên 1990. Đầu tiên với xe nước sâm. Mỗi ngày chị nấu nước sâm ở nhà rồi ra đây bán cho du khách. Được vài năm, giọt nước mát ấy vừa sạch, vừa trong lành bị các nhãn hiệu nước ngọt lấn át. Chị chuyển sang bán mủ nón, khẩu trang cho người đi đường.

Nghề bán mủ nón đỡ vất vả hơn. Chị nhận hàng từ mối bày ra trên lề đường từ sáng đến tối. Những lúc trời nắng gắt là những lúc chị kiếm được nhiều tiền. Hai đứa con của chị cũng lớn lên theo những giọt mồ hôi của mẹ. Chúng vào được đại học. Mừng thì quá mừng nhưng nỗi lo học phí, tiền sinh hoạt cho gia đình đè nặng trên đôi vai chị.

Một thời gian sau, chủ trương người đi xe máy phải có mủ bảo hiểm có hiệu lực. Nghề bán nón của chị chao đảo nặng. Chị bán thêm khẩu trang. Cũng may, lúc này đứa lớn đã tốt nghiệp và tìm được việc làm. Chị không phải xoay sở thêm mà cố gắng cầm cự với những chiếc mủ qua ngày . . .

Nắp cống chỉ còn trơ khung sắt. Phần bê tông nắp cống vỡ vụn khi bánh xe lăn qua

Niềm vui và hạnh phúc chẳng được lâu. Buổi chiều ngày 14/10, chiếc xe chở nước đá giao hàng theo thường lệ leo lề để xuống hàng sát chỗ bán hàng của chị. Cán qua nắp cống, chiếc xe bất ngờ bị sụp. Chị vẫn ngồi đó. Cả thân xe nặng nề đè lấy chị. . .

Chông chênh chiếc nắp cống

Sự việc diễn ra chóng vánh đến không ngờ. Con đội được tài xế lấy ra. Những người bán hàng, xe ôm gần đó chạy đến chung tay cùng con đội nâng chiếc xe lên. Chị được kéo khỏi xe chuyển ngay đến bệnh viện. Do bị đè quá lâu, chị đã chết trên đường chuyển viện. . .

Chị được đưa về nhà. Cả xóm bàng hoàng. Căn nhà nhỏ quá không đủ chỗ đặt áo quan. Rạp được dựng lên.

Chúng tôi ghé vào. Anh Sơn – chồng chị - tựa lưng vào tường. Đôi mắt anh hướng về di ảnh của vợ. Dường như chị cười với anh. Anh lặng người cố giấu đi giọt nước mắt. Cạnh quan tài, hai đứa con đang phủ phục. Đứa nào cũng buồn rười rượi, đôi mắt đỏ hoe.

Bên ngoài những giọt mưa đang rơi xuống rồi nặng hạt dần. Bên trong ngọn nến vẫn bùng sáng. Khói hương vẫn tỏa đầy. Những người bạn của vợ chồng chị - cũng là những người lam lũ một nắng hai sương – cùng đến viếng.

Đôi dép của nạn nhân còn sót lại

Trước thời điểm xảy ra tai nạn tôi có đến trò chuyện với chị. Chị Trang người bán vé số dạo vừa đốt nhang cho chị xong trở ra giải bày với chúng tôi. Chị nói : “không ai ngờ được chị ấy ra đi nhanh như vậy. Cũng là số mạng hết anh à. Trước đó, lúc 11g anh Sơn chồng chị có ghé qua. Hai vợ chồng nói chuyện với nhau lâu lắm. Thường ngày chị Hồng cùng bán với chị Hiếu nhưng hôm ấy chị Hiếu về nhà trước đó 15 phút. Người anh ruột của chị Hồng làm nghề sửa xe gần đó đã bảo chị về nhà vì trời nắng quá. Nhưng chị vẫn không về để rồi đau buồn xảy đến. . .”

Chị Trang kể tiếp : “không phải chị Hồng chủ quan đâu. Chiếc xe nước đá này vẫn thường xuyên lui tới nơi này để giao hàng từng cán qua nắp cống đó. Nhưng có ai ngờ được hai ngày trước Công ty thoát nước đô thị đã cho thay nắp mới. Không lẽ nắp mới kém chất lượng hơn nắp cũ hay sao ?”

Chất lượng của nắp cống đang còn là ẩn số. Bê tông nắp cống đã vỡ nát. Hiện khung thép bọc nắp cống đã được cơ quan chức năng tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Dù có thế nào thì một mạng người cũng đã mất đi. Những người có trách nhiệm ở Công ty thoát nước đô thị có lường được hậu quả này không là điều mà mọi người đang chờ đợi câu trả lời.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 16/10/2014
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chiec-nap-cong-va-noi-dau-nguoi-o-lai-202352.html

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Chiếc nắp cống và nỗi đau người ở lại
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO