Bức ảnh đội trưởng Messi nâng cao chiếc cúp vô địch World Cup trước sự chứng kiến của đông đảo người hâm mộ trên sân Lusail Iconic ở Qatar ngày 18/12 vừa qua là bức ảnh có lượng yêu thích nhiều nhất trong lịch sử của Instagram với gần 75 triệu lượt.
Messi không hề hay biết cầm đồ giả
Bức ảnh gợi nhớ đến hình ảnh tương tự của ‘tiền bối’ Maradona nâng cao cúp vô địch tại Mexico 1986 nhưng chiếc cúp trong tay Messi lại là…cúp giả. Chuyện thật như đùa này vừa được tiết lộ trên tờ Clarin của Argentina.
Tờ Clarin cho biết, chính xác thì chiếc cúp ấy không phải là phiên bản hàng thật được trao tay từ chủ tịch FIFA Gianni Infantino mà là cúp giả của hai CĐV Argentina có tên là Paula Zuzulich và Manuel Zaro. Cả Messi lẫn các cầu thủ Argentina đều không hề hay biết mình đang ăn mừng với ‘hàng pha-ke’ trong suốt 45 phút. Còn với hàng triệu người Argentina, ‘cú lừa’ này chỉ mới được tiết lộ cách đây ít giờ.
Đầu đuôi vụ tiết lộ công khai này như sau, theo Clarin: hai ngày sau trận chung kết, Fernando de la Orden, một nhiếp ảnh gia của các tờ báo Argentina Clarín và Olé, đã đăng lên tài khoảng Instagram của mình một bức ảnh chụp Di Maria tươi cười cầm chiếc cúp vô địch thế giới bên cạnh Messi. Một phóng viên ảnh khác ở Buenos Aires tên là Santiago Bluguermann, cũng vào bình luận rằng rằng liệu có biết hai cầu thủ trên đang nói gì với nhau không? De la Orden trả lời: “Di María nói với Leo rằng anh ấy vừa ăn mừng với một chiếc cúp giả, bây giờ mới là cúp thật, vì thế họ cười’.
Ngay lập tức, một tài khoản tên Paula Zuzulich tham gia cuộc trò chuyện: "Fernando, chính chúng tôi mới là chủ sở hữu của chiếc cúp giả và đưa nó cho các cầu thủ. Chuyện rất buồn cười, cảm ơn anh’. Đến lúc này De la Orden mới nhận ra Paula Zuzulich chính là một nữ CĐV mà anh đã từng gặp ở Qatar. Cả hai đã từng chụp ảnh cùng nhau và nữ CĐV này đã bắt đầu theo dõi Instagram của anh.
De la Orden đã đến thăm bà Zuzulich và chồng là Manuel Zaro tại nhà của họ ở La Plata, ngoại ô thủ đô Buenos Aires. Tại đây, cả hai đã đưa chiếc cúp ‘pha-ke’ ra và giải thích tại sao Messi không thể nhận ra đồ giả.
Theo Zuzulich: “trước World Cup, chúng tôi đã tìm những nghệ nhân làm cúp và mất đến 6 tháng để hoàn thiện một phiên bản y hệt về trọng lượng lẫn đường nét với bản gốc. Chỉ khác là được làm bằng nhựa, bên trong độn đá thạch anh, bên ngoài phủ sơn màu vàng. Có một vài chi tiết không giống lắm, như phần viền màu xanh ở đế, nhưng sự khác biệt là rất nhỏ.”
Ý định của vợ chồng Zuzulich là mang chiếc cúp này đến Qatar, nếu Argentina vô địch sẽ đưa cho các cầu thủ ký tên lên đó, thành một món quà lưu niệm độc đáo. “Ý tưởng là để các cầu thủ ký vào, nhưng nó đã được đưa xuống sân ba lần. Đầu tiên, một thành viên trong gia đình Leandro Paredes đã nhờ anh ấy ký vào đó. Lần thứ hai chúng tôi được yêu cầu, chiếc cúp này đã được Messi và các đồng đội chuyền tay nhau ăn mừng trong suốt 45 phút, trong đó có bức ảnh nổi tiếng của Messi. Mãi đến khi Lautaro Martínez ký vào, chiếc cúp mới được trả lại cho chúng tôi. Sau đó, an ninh của FIFA đến và yêu cầu chúng tôi bàn giao nó để đảm bảo rằng nó không phải là bản gốc”, Zuzulich cười thích thú.
Chiếc cúp nổi tiếng nhất lịch sử bóng đá thế giới, dù chỉ là đồ giả
Sở dĩ vào lúc này Messi không hề biết mình đang cầm ‘hàng pha-ke’ là bởi sau khi nhận chiếc cúp thật từ tay Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trao cho, ngay lập tức ban tổ chức sẽ thay bằng một phiên bản y hệt về kích cỡ, hình dáng và giá trị bằng vàng khối như mọi đội vô địch khác đã từng nhận, chiếc cúp gốc được trả lại cho FIFA để mang về trụ sở tại Thụy Sỹ.
Tuy nhiên, không giống như các kỳ World Cup trước, nơi việc trao đổi diễn ra nhanh chóng trong phòng riêng bên trong sân vận động, ở Qatar, nó được tiến hành trên sân thi đấu, điều này có thể góp phần gây ra sự nhầm lẫn.
Vì thế, tại một số thời điểm, chiếc cúp ‘pha-ke’ của vợ chồng Zuzulich đã được đem ra ăn mừng mà chính đội trưởng Messi cũng không hề hay biết. Clarin còn cho đặt câu hỏi không rõ liệu có đến 3 chiếc cúp World Cup trên sân cùng một lúc hay không, nhưng trong ít nhất hơn nửa giờ trên sân có đến 2 chiếc, mỗi chiếc một ở một đầu sân. Bên này là các cầu thủ Argentina đang say sưa diễu hành mừng chiến thắng đến mức không biết là hàng giả, đầu bên kia là nhân viên FIFA đang tiến hành đổi cúp thật và cúp phiên bản.
Chính Di María, người luôn đứng bên cạnh Messi khi ăn mừng, đã kể lại: "Nhân viên an ninh nói với tôi: 'Xin đừng đưa cúp cho bất kỳ ai'. Tôi nói với họ: 'Nhưng có một chiếc cúp khác ở đằng kia'. và họ trả lời: "Không, không, cái bạn có là cái thật, đó là lý do tại sao chúng tôi ở bên bạn để bảo vệ. Sau đó tôi đã nói lại với Messi và anh ấy mới biết chuyện, chúng tôi đã cười phá lên’.
Zaro thì kể rằng vài giờ sau khi kết thúc trận, khi xem hình Messi được đồng đội công kênh trên cổ, tay cầm cúp ăn mừng, họ đã nhận ra đó chính là phiên bản của mình. Thậm chí chính vợ Antonella vợ Messi và cậu con trai cũng nâng chiếc cúp giả này.
Câu chuyện trên là một kỷ niệm thú vị của vợ chồng Zuzulich nhưng khi được tờ Clarin tiết lộ, cả hai đã gặp vô số rắc rối khi người hâm mộ Argentina chỉ trích họ đã làm hỏng khoảnh khắc ‘mang tính biểu tượng’ của đất nước. Tài khoản mạng xã hội của cả hai bị tấn công với vô số lời chửi bới khiến họ phải khóa tài khoản.
Lý do là rất nhiều người Argentina đã lấy bức ảnh gần 75 triệu lượt thích của Messi làm hình nền điện thoại, máy tính, tranh treo tường phòng ngủ v.v, ai ngờ ….. Vì vậy họ không coi câu chuyện của vợ chồng Zuzulich là hài hước, mà là ‘ăn theo’.
Mặc dù vậy, cợ chồng Zuzulich vẫn quyết định giữ và trưng chiếc cúp giả trong nhà đầy trân trọng. Nó bỗng chốc trở thành một trong những chiếc cúp nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá, dù chỉ là…đồ giả. Khổ thân nhất có lẽ là...Thánh Rắc muối Salt Bae, đã bị chỉ trích là 'ăn theo' lại còn dính hàng giả.