Chia rẽ về vấn đề Ukraine bao trùm chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản

Vân Hà| 14/03/2022 14:48

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến có mặt tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ vào ngày 19/3 trước khi sang Campuchia.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trả lời câu hỏi của phóng viên tại nhà riêng ở thủ đô Tokyo ngày 11/3/2022. (Nguồn: AP)
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trả lời câu hỏi của phóng viên tại nhà riêng ở thủ đô Tokyo ngày 11/3/2022. (Nguồn: AP)

Tâm điểm trong chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio là cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi.

Hoạt động thường niên này giữa hai nhà lãnh đạo đã bị hoãn kể từ năm 2019. Cuộc gặp năm nay đặc biệt quan trọng vì đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ-Nhật Bản (28/4/1962-28/4/2022).

Hai vị Thủ tướng dự kiến sẽ xem xét tiến độ của dự án tàu cao tốc Shinkansen trị giá 17 tỷ USD, được khởi công vào năm 2017 dưới thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Dự án được tài trợ phần lớn từ các khoản vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), theo kế hoạch là hoàn thành vào năm 2022 đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án này gặp trở ngại liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Mặc dù trọng tâm trong chuyến thăm của ông Kishida là dự án đường sắt và một số thỏa thuận song phương khác song một nội dung thảo luận khác trong cuộc gặp thượng đỉnh cũng "nóng" không kém là tình hình Ukraine.

Đối với vấn đề này, Ấn Độ có quan điểm khác hẳn với Nhật Bản và các nước thành viên khác của Bộ tứ (Quad) là Mỹ và Australia.

Ngày 25/2 vừa qua, Nhật Bản cùng với một số nước phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt chống Nga sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, đồng thời thể hiện quan điểm cứng rắn với Moscow.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi không công khai chỉ trích Nga và bỏ phiếu trắng ít nhất 8 lần tại Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

Ngoài ra, trong khi Nhật Bản đang đàm phán với Mỹ, G7 và Liên minh châu Âu về việc cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga, New Delhi lại đang đàm phán với các nhà lãnh đạo Nga về khả năng nhập khẩu dầu từ Moscow.

Trong chuyến công du ngắn ngày, ông Kishida dự kiến ​​sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa Ấn Độ và các đối tác khác trong Bộ tứ.

Trong Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ do Mỹ tổ chức vào hồi đầu tháng Ba theo hình thức trực tuyến, ông Kishida đã đưa ra quan điểm cứng rắn về cái gọi là “sự gây hấn của Nga” và cho rằng, các hành động tương tự phải được ngăn chặn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tokyo cũng dự kiến ​​tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Narendra Modi vào tháng Năm hoặc tháng Sáu tới.

Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước có quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu, bắt đầu tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh thường niên vào năm 2005, luân phiên giữa hai nước.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 cuối cùng được tổ chức vào năm 2018 khi Thủ tướng Modi thăm Tokyo. Sau đó, Ấn Độ và Nhật Bản chính thức khởi động cơ chế đối thoại 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước với cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2019 tại New Delhi.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Abe Shinzo dự kiến vào tháng 12/2019 đã bị hủy vào phút cuối. Các kế hoạch tổ chức cuộc gặp vào các năm sau đã bị hoãn do đại dịch Covid-19.

Chỉ riêng việc khôi phục cuộc gặp thượng đỉnh theo thông lệ giữa hai Thủ tướng đã cho thấy tầm quan trọng của chuyến công du Ấn Độ lần này của ông Kishida, dù chỉ kéo dài hơn 24 tiếng đồng hồ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chia rẽ về vấn đề Ukraine bao trùm chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO