Tất nhiên, tôi sẽ tìm công việc khác để làm. Tôi đã gửi hồ sơ ứng tuyển đến một số nơi nhưng phải đợi họ hẹn lịch phỏng vấn nên tạm thời giai đoạn này, tôi vẫn ở nhà.
Với một người đàn ông vốn là trụ cột trong gia đình, nay phải ở nhà không lương, giao gánh nặng lo toan cho người phụ nữ của mình, thực tình mà nói là nỗi buồn rất lớn.
Tôi chờ mong vợ sẽ cho tôi những cái ôm xoa dịu, nói lời động viên, an ủi. Nhưng không, cô ấy hoàn toàn không nhắc gì đến công việc của tôi. Đến độ tôi buộc phải tự giải thích rằng, chắc cô ấy tế nhị, tránh nhắc đến vấn đề này để tôi khỏi nghĩ ngợi lung tung. Thực ra, tôi cũng không thể suy nghĩ theo hướng khác được.
Bởi xưa giờ, tôi là người chồng có trách nhiệm, tiền lương hàng tháng của tôi khá cao và tôi đều đưa hết để cô ấy tùy ý chi tiêu cho gia đình. Ngoài tháng cuối cùng công ty cũ vẫn nợ lương chưa trả, cộng thêm tháng này tôi ở nhà đợi đi phỏng vấn, tôi chưa để vợ con lâm vào cảnh khó khăn bao giờ.
Tôi biết, chính tôi đã tạo ra sự vất vả cho vợ (Ảnh minh họa: HB)
Tuy nhiên, việc hai tháng này bắt vợ gánh vác kinh tế trong nhà khiến tôi rất áp lực, vừa thương cô ấy, vừa áy náy. Cho nên dạo gần đây, thấy vợ trở nên cáu gắt, khó tính, tôi đều rất cảm thông, còn nhắc hai con cố gắng thông cảm cho mẹ. Bởi tôi cho rằng, chính tôi đã tạo ra sự vất vả này cho cô ấy.
Từ ngày cưới nhau, tôi chưa bắt vợ phải chịu đựng những áp lực và khó khăn như vậy. Vì vậy, chuyện cô ấy liên tục càu nhàu, mắng bố con tôi ở nhà lười không dọn dẹp, quần áo giặt xong không phơi ngay, đến đường với muối hết cũng phải chờ cô ấy… tôi đều bỏ qua.
Tôi đã cố hiểu và bao dung với cô ấy vì tình trạng này là do tôi khoác lên vai cô ấy. Khó khăn này cô ấy chưa từng trải qua nên rất dễ căng thẳng.
Tuy nhiên, sự việc không dừng ở đó. Gia đình bên nội có kế hoạch xây lại nhà thờ tổ dưới quê, kêu gọi anh em, con cháu mỗi nhà đều phải đóng góp. Vợ tôi như biến thành người khác. Cô ấy liên tục rền rĩ, nhắc đi nhắc lại chuyện đã không có tiền còn bày đặt đóng góp cả chục triệu đồng.
Tôi bỗng nhiên trở nên thiếu kiềm chế. Bao nhiêu nín nhịn tích tụ lại khiến tôi giận dữ, trách móc vợ. Tôi trách cô ấy là người thiếu tinh tế. Bao nhiêu ngày tháng tôi cầm tiền về đưa hết cho cô ấy nhưng tôi chưa từng nhận được một lời cảm ơn. Đồng ý là vợ chồng không cần khách sáo, nhưng đàn ông cũng cần được quan tâm, muốn được vợ thừa nhận sự cố gắng của mình.
Chúng tôi hết lòng với vợ con, đó là nghĩa vụ của người đàn ông. Nhưng chúng tôi cũng là những con người bình thường, muốn được quan tâm, động viên, khích lệ. Tôi còn nói với cô ấy rằng, số tiền tôi đưa cô ấy không hề nhỏ. Vậy cô ấy làm gì với nó mà giờ kêu không có nổi chục triệu đồng trong nhà?
Lời nói ra trong lúc cáu giận không chỉ không khiến vấn đề được giải quyết, mà còn làm cho tình trạng tồi tệ hơn. Kết quả là sau đó, việc ai nấy làm, gần một tuần nay không ai chịu xuống nước, nói với ai câu nào. Tôi cho rằng, cô ấy là người quá coi trọng đồng tiền, còn cô ấy thấy tôi là người nhỏ nhặt, không biết cảm thông.
Chỉ vài tiếng trước, tôi nhận được quyết định vào làm cho công ty mới nhưng thay vì thông báo cho vợ biết để chia sẻ niềm vui, tôi lại chọn ngồi một mình bên cốc cà phê. Tôi cảm thấy rất rõ giữa chúng tôi đang tồn tại một khoảng cách mà không ai muốn chủ động bước qua.
Lúc này, tôi chỉ cần ai đó lắng nghe để có cảm giác nhẹ nhõm hơn trong lòng. Thành thực cảm ơn các bạn đã đọc tâm sự của tôi lúc này.
Theo Dân Trí