Mới đây, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Dự thảo nghị quyết này sẽ được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5, theo đề xuất của Chính phủ.
Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, Chính phủ đề xuất 7 nhóm chính sách đặc thù cho TPHCM.
Nhóm chính sách đặc thù thứ nhất liên quan quản lý đầu tư
Chính phủ đề xuất HĐND TPHCM thêm thẩm quyền trong phân bổ và bố trí vốn đầu tư công.
Theo đó, sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định, trường hợp có tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương, HĐND thành phố được phân bổ cho các chương trình, dự án mới.
"Việc bố trí vốn không làm tăng mức bội chi ngân sách hàng năm và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản", theo yêu cầu của Chính phủ.
Cơ chế đặc thù liên quan đến quản lý đầu tư cũng cho phép TPHCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công và dự án PPP.
Cụ thể, bên cạnh quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục… HĐND thành phố có quyền quyết định cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Trong nhóm cơ chế này, Chính phủ còn đề xuất cho TPHCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Thành phố cũng được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.
Chính sách đặc thù thứ hai về tài chính ngân sách
TPHCM được quyết định áp dụng các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
HĐND TPHCM được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi thu nhập tăng thêm theo quy định.
Chính phủ cũng đề xuất cho phép các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TPHCM quản lý, được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn và chi thu nhập tăng thêm.
Theo đề xuất của Chính phủ, TPHCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và thành phố, so với dự toán được Thủ tướng giao.
Nhóm chính sách đặc thù thứ ba về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường
Chính phủ đề xuất HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, song việc này phải lấy ý kiến người dân và đối tượng chịu tác động.
Trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, đô thị theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng chỉ tiêu diện tích sàn ở bình quân đầu người, cải thiện cảnh quan đô thị.
Ngoài ra, UBND TPHCM được phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại theo quy định hiện hành hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại .
Chính cũng đề xuất TPHCM được quyết định cho phép các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, mà tiền thuê đất không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước thì có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất theo quy định.
Nhóm chính sách đặc thù thứ tư vềngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM
Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng sạch… là những ngành nghề được ưu tiên ở TPHCM.
Địa phương này cũng ưu tiên thu hút đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 60.000 tỷ đồng trở lên.
Theo quy định, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam.
Nhà đầu tư chiến lược sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 7% trong thời gian 33 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 12 năm tiếp theo.
Ưu đãi khác nhà đầu tư chiến lược được hưởng là miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 20 năm và giảm 65% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố…
Nhóm chính sách đặc thù thứ năm về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo
Chính phủ đề xuất hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của TPHCM với nhiều chính sách ưu đãi như: Miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.
Cơ chế đặc thù thứ sáu liên quan tổ chức bộ máy của TPHCM
Chính phủ đề xuất UBND huyện thuộc thành phố và UBND phường, xã, thị trấn có từ 50.000 dân trở lên, có không quá 3 phó chủ tịch.
Chủ tịch UBND TP được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP, thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.
HĐND Thành phố có thẩm quyền quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn.
TPHCM cũng sẽ được quyết định trong việc chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức… theo hiệu quả công việc. Mức chi không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Đồng thời, thành phố được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
Cơ chế đặc thù thứ bảy liên quan đến tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức
Theo đó, Chính phủ đề xuất UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND, chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn.
Theo đề xuất của Chính phủ, HĐND thành phố Thủ Đức có không quá 2 phó chủ tịch và có không quá 8 đại biểu chuyên trách. UBND thành phố Thủ Đức có không quá 4 phó chủ tịch.