Trao đổi với PV sáng 11/7, ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, từ ngày 1/1/2022, Nghị quyết “Quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị 2022 - 2026” có hiệu lực.
Theo Nghị quyết này, từ đầu năm 2022, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung nguồn lực, thu hút nhân tài là những bác sĩ giỏi về công tác tại địa phương, nâng cao năng lực ngành y tế với những chế độ hấp dẫn.
Cụ thể, từ đầu năm 2022, khi tuyển dụng vào làm việc trong ngành y tế Quảng Trị, bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại xuất sắc sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng.
Bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi (trừ trường hợp được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh) sẽ được hỗ trợ 250 triệu đồng,
Bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại khá được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến huyện, tuyến xã sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng.
Bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến huyện, tuyến xã sẽ được hỗ trợ từ 100 đến 150 triệu đồng.
Mỏi mắt tìm nhân lực ngành y
Theo ông Đỗ Văn Hùng, mặc dù Quảng Trị còn là địa phương có nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, lãnh đạo địa phương và các sở, ngành đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, trong đó có lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, đã hơn 6 tháng kể từ khi Nghị quyết về chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo nhân lực cao ngành y có hiệu lực, đến nay mới chỉ thu hút được 3 bác sĩ về địa phương.
“Hiện nay ngành y tế tỉnh có 643 bác sĩ, đạt tỉ lệ 10 bác sĩ/10.000 dân. Tuy nhiên, chất lượng bác sĩ của ngành y tế tỉnh còn chưa cao.
Ngoài ra, một số bác sĩ đến nay đã lớn tuổi và chuyển sang hoạt động y tế tư nhân, nên dự kiến từ nay đến năm 2026, ngành y tế sẽ giảm khoảng 100 bác sĩ.
Thực tế là vậy nhưng việc thu hút nguồn nhân lực ngành y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa đủ sức hấp dẫn và nhận được sự quan tâm lớn của đội ngũ bác sĩ”, ông Hùng chia sẻ.
Lý giải về điều này, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ thực tiễn các vị trí, đơn vị được tuyển dụng và nhu cầu cuộc sống.
Theo ông Hùng, đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ được tuyển dụng vào làm việc mặc dù không được hỗ trợ ban đầu nhưng quá trình làm việc lại có thu nhập tăng thêm. Trong khi đó, hiện nay Trung tâm Y tế tuyến huyện và các đơn vị trực thuộc là đơn vị được giao tự chủ về tài chính (đơn vị sự nghiệp có thu), nên bác sĩ về đây công tác không có nguồn này.
Tại các Trung tâm Y tế huyện hiện nay, có hệ điều trị và hệ dự phòng - dân số. Mặc dù hệ dự phòng - dân số được hưởng ngân sách nhà nước nhưng mức lương thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.
Trong khi đó, khi các bác sĩ về làm việc tại Trung tâm y tế huyện và tham gia công tác điều trị, dù họ có làm đến 150% công suất, năng lực thì nguồn thu nhập tăng thêm cũng không được hưởng mà phải nhập vào ngân sách để chi trả lương cho các đơn vị khác.
Nói chung, bác sĩ điều trị phải “gánh” cả hệ dự phòng - dân số khiến họ không phát huy được năng lực, công suất làm việc.
Điều phi lý này khiến bác sĩ không mặn mà mặc dù được đãi ngộ đầu vào mức khá cao”, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị chia sẻ.
Người đứng đầu ngành y tế Quảng Trị cũng cho biết, để giải bài toán khó khăn về nhân lực, sắp tới, Sở Y tế sẽ trình Hội đồng Nhân dân tỉnh về đề án liên kết với các đơn vị đào tạo, “nuôi” bác sĩ từ giảng đường để khi ra trường, các bác sĩ về làm việc tại địa phương với những quyền lợi và cam kết rõ ràng.