Chi hàng chục triệu cho lễ tri ân: Trọng chữ tình hay ưa hình thức?

03/06/2023 07:10

Hoạt động tri ân - trưởng thành ở một số nơi đã bắt đầu quá đà, khi những người tổ chức quá chú trọng hình thức, sao cho trường lớp mình phải hơn trường lớp khác, hay chí ít cũng bằng bạn bằng bè.

Những ngày vừa qua, Lễ tri ân - trưởng thành được rất nhiều trường trên cả nước tổ chức cho học sinh cuối các cấp.

Lễ tri ân - trưởng thành được coi là dịp để học sinh bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè… - những người đã tận tâm nuôi nấng, dạy dỗ, sẻ chia vui buồn với các em suốt những năm học phổ thông.

Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, mỗi người một cách thể hiện. Trước đây, lễ này thường chỉ một bữa liên hoan cuối năm với bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt và viết lưu bút để nhớ lại một thời áo trắng với biết bao kỷ niệm vui buồn tuổi học trò là đủ để lại dấu tuổi học trò.

Bây giờ cuộc sống đã khá hơn, thay cho buổi liên hoan chia tay là Lễ tri ân - trưởng thành, được tổ chức bài bản hơn. Ngành giáo dục các địa phương cũng định hướng một số hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo Lễ tri ân mang không khí vui tươi, ấm áp, tiết kiệm; lưu lại những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc cho học sinh cuối cấp; tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng của học sinh, góp phần định hình các hoạt động mang tính văn hóa truyền thống của nhà trường.

Với ý nghĩa như vậy, Lễ tri ân - trưởng thành thường nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cha mẹ học sinh. Không chỉ cho tiền, giúp con thực hiện một số công việc cho buổi lễ như chụp ảnh kỷ yếu, mua quà tặng, thuê quần áo văn nghệ… mà cha mẹ học sinh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động với trường với lớp.

Tuy nhiên, hoạt động tri ân - trưởng thành ở một số nơi đã bắt đầu quá đà. Đó là khi những người tổ chức quá chú trọng hình thức, sao cho trường lớp mình phải hơn trường lớp khác, hay chí ít cũng bằng bạn bằng bè.

Nhiều học sinh đã than phiền vì phải tập dượt nhiều lần cho Lễ tri ân. Các em phải tập từ việc ngồi chỗ nào, bày tỏ thái độ ra sao cho “xúc động”, tặng hoa tặng quà, nói lời tri ân với thầy cô trên sân khấu thế nào cho tình cảm... Tuổi học sinh vốn hồn nhiên, trong sáng, nhưng nay phải “diễn” cho đúng kịch bản nên thấy gượng gạo, ngại ngùng… Đó là chưa kể tập dượt nhiều khiến học sinh uể oải, đến khi lễ thật khó chú tâm vào bài nói chuyện của thầy cô.

Có em đã không ngần ngại bày tỏ trên Faccebok cá nhân chỉ muốn sự kiện tri ân diễn ra đơn giản, ấm áp, có sự chứng kiến của bố mẹ. Khi đó, các em sẽ được nói những lời cảm ơn chân thành tới gia đình, thầy cô và nhận sự động viên của mọi người để vững vàng vượt qua kỳ thi sắp tới.

Còn phụ huynh, nhiều người cũng cho rằng Lễ tri ân hiện nay dài dòng, hình thức, như là dịp khoe thành tích của trường, của lớp. Trong khi trên bục sân khấu, thầy đọc diễn văn dài mấy trang thì ở dưới, học sinh lại mải mê chơi điện tử, lướt Facebook, chụp hình lưu niệm, ký tên vào áo, sổ lưu bút… Nhiều buổi Lễ tri ân hiện nay dù đầy đủ hơn nhưng thiếu cảm xúc, không giống như thời đi học của thế hệ 7X, 8X trước đây.

Cá biệt, nhiều Lễ tri ân bị “biến tấu” khó chấp nhận, trở thành một cuộc liên hoan, tặng quà cuối năm không hơn không kém. Thậm chí, có trường còn đưa Lễ tri ân ra nhà hàng, tổ chức lễ tiệc như cho người lớn… với chi phí hàng chục triệu đồng. Do đó, Lễ tri ân kết thúc trong sự thiếu vắng những cảm xúc chân thành, những lời sẻ chia, ước hẹn, nhắn nhủ của thầy trò trước khi bước sang môi trường mới…

Thậm chí, ở một số nơi, Lễ tri ân đang trở thành sân chơi cho phụ huynh có điều kiện đua trao quà với giá trị vật chất lớn cho con em mình và nhà trường, khiến nhiều người khác không khỏi chạnh lòng.

Làm cha mẹ, ai cũng mong con mình học giỏi, sống trọng tình nghĩa, biết hiếu kính. Không ai muốn nhìn những gương mặt học trò trang điểm cầu kỳ làm mất đi sự ngây thơ hồn nhiên của tuổi trăng tròn. Không ai cần những giọt nước mắt giả tạo từ con trẻ. Càng không ai muốn những lễ tri ân dài dòng, nặng nề báo cáo khoe khoang.

Hãy giúp con em mình có một buổi Lễ tri ân đúng nghĩa. Tại sao không tổ chức một Lễ tri ân ngay trong sân trường hay thậm chí là lớp học, kết hợp với Lễ bế giảng với những hoạt động đơn giản nhưng ấm áp tình thầy trò? Ở đó, học sinh phát biểu cảm ơn thầy cô, kể chuyện về những tiết học, môn học hoặc giáo viên có nhiều ấn tượng. Hoặc tùy khả năng, các em có thể viết, vẽ về những kỷ niệm sau mấy năm học tập. Những dòng lưu bút của học trò được dán lên trong lớp học, kẹp vào sổ lưu bút nhà trường...

Những hoạt động thiết thực, gần gũi ấy sẽ là kỷ niệm đẹp đi theo học sinh trên suốt những chặng đường trưởng thành của các em sau này. Còn tổ chức Lễ tri ân cho hoành tráng mà không đọng lại điều gì cũng trở nên vô nghĩa, lãng phí, thậm chí phản cảm mà thôi.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chi hàng chục triệu cho lễ tri ân: Trọng chữ tình hay ưa hình thức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO