Từng bị ám ảnh với tiền sử thai lưu nhiều lần nên chị Nguyễn Thu Hà, 29 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội không dám mang bầu. Sau 3 lần thai lưu, được sự động viên của cả nhà, người vợ này mới có ý định mang bầu lần nữa.
Và lần này, trước khi mang thai, chị Hà đã mạnh dạn đi thăm khám bác sĩ. Được bác sĩ chuyên khoa lên kế hoạch thăm khám tổng quát và tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết cùng chế độ ăn uống trong thai kỳ khoa học mà một lần nữa người vợ 29 tuổi này đã có tin vui.
Sau nhiều lần thai lưu, nhiều sản phụ đã mẹ tròn con vuông nhờ làm xét nghiệm trước khi mang bầu. (Ảnh minh họa)
Suốt thai kỳ, chị Hà luôn hồi hộp lo lắng. May mắn, chị đã vượt qua được các mốc thai lưu 3 lần trước và thai nhi phát triển bình thường, khỏe mạnh. Ở tuần thứ 39, lần đầu tiên trong suốt hơn 2 năm hiếm muộn vì thai lưu, vợ chồng chị Hà đã được đón con chào đời trong sự vui mừng khôn xiết.
Chia sẻ về trường hợp của vợ chồng chị Hà nói riêng và của những chị em có tiền sử thai lưu nhiều lần nói chung, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong những lần thăm khám cho các mẹ bầu, bác sĩ đã từng gặp rất nhiều thai phụ bị thai lưu. Họ đến gặp bác sĩ khi đang mang bầu lần tiếp theo với ý muốn nhờ tìm cách để giữ thai, không đi vào vết xe đổ bị lưu như lần trước.
Tuy nhiên trên thực tế, bác sĩ Thành khuyến cáo, các chị em từng có tiền sử thai lưu phải đi thăm khám từ trước khi có ý định mang bầu để dược làm những xét nghiệm đánh giá toàn diện sức khỏe.
“Nếu mang thai rồi mới đi thăm khám thì đôi khi không thể làm các xét nghiệm được. Chẳng hạn như xét nghiệm buồng tử cung, buồng trứng không thể tiến hành lúc đã mang bầu nên không biết được bộ phận quan trọng này bình thường hay bất thường, có bị dính hay không, ảnh hưởng tới quá trình thai lưu nhiều không”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Sau khi tiến hành xét nghiệm buồng trứng, buồng tử cung trên, các chị em có tiền sử thai lưu còn phải tiến hành những xét nghiệm cần thiết khác. Cụ thể:
- Xét nghiệm chức năng chung của cơ thể: Theo đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các xét nghiệm tuyến giáp vì ảnh hưởng đến việc mang thai. Chức năng tuyến giáp tốt, mẹ bầu mới mang thai tốt được. Nếu mẹ bầu bị cường giáp sẽ gây trục trặc có thai. Nếu bị suy giáp sẽ có thể phải đối mặt với tình trạng thai lưu....
- Xét nghiệm tiểu đường: Thực hiện xét nghiệm này để nắm rõ chị em có bị tiểu đường không vì đường máu cao dao động cũng là nguyên nhân gây ra thai lưu.
- Xét nghiệm các chức năng gan thận: Nếu cả bố và mẹ có chức năng gan thận tốt sẽ có sức khỏe hàng ngày tốt. Theo đó, bố mẹ có sức khỏe tốt mới có chất lượng trứng, tinh trùng tốt để đúc con.
- Xét nghiệm rối loạn nhiễm sắc thể để phát hiện những bất thường về di truyền ở hai vợ chồng.
Khi bị thai lưu nhiều lần, chị em phải khám từ khi chưa mang thai để bác sĩ có thể làm các xét nghiệm đánh giá sức khỏe toàn diện. (Ảnh: BSCC)
Khi xét nghiệm tìm hết các nguyên nhân mà không rõ nguyên nhân gây nên tình trạng thai lưu lúc đó mới từng bước tiến hành làm các xét nghiệm khác.
Ngoài tiến hành những xét nghiệm quan trọng trên, trong giai đoạn chuẩn bị mang thai sau tiền sử thai lưu nhiều lần, cả hai vợ chồng cần chú ý thêm chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung đầy đủ các nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và vi chất. Đặc biệt, chị em nên ăn nhiều rau và trái cây sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và uống acid folic để quá trình mang thai lần tiếp theo an toàn hơn.
Bên cạnh đó, chị em phải bỏ thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, bia, cafe,.. để giảm được tỷ lệ thai chết lưu. Thay vào đó chịu khó tập thể dục đều đặn, giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái nhất.
Theo Thời báo văn học nghệ thuật