Chỉ đau nhẹ vùng lưng không ngờ tái phát bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 2

17/11/2022 16:07

Đau nhẹ vùng lưng đi khám không khó thở, không sờ thấy hạch ngoại vi, huyết động và hoạt động hoàn toàn bình thường, nam bệnh nhân sốc khi biết căn bệnh hiểm tái phát.

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa điều trị hiệu quả cho một nam bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Bệnh nhân N.V.X, nam, trú tại Hà Nội vào viện tháng 1/2022. Trước đó, bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến của phổi phải giai đoạn IIb đã được phẫu thuật cắt thùy phổi và hóa trị bổ trợ chuẩn 6 chu kỳ cách đây 3 năm.

Cách vào viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện đau vùng cột sống lưng, đi khám lại phát hiện tổn thương xương cột sống ngực D8 trên hình ảnh PET/CT tăng hấp thu FDG do ung thư phổi tái phát di căn.

Bệnh nhân nhập trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai để chẩn đoán và điều trị.

Tại đây các bác sĩ nhận thấy thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh (PS: 0) khi vào viện không có biểu hiện khó thở, không sờ thấy hạch ngoại vi chỉ đau nhẹ vùng lưng, huyết động và hoạt động hoàn toàn bình thường.

Kết quả mô bệnh học cho thấy bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến, không di căn não. Hình ảnh PET/CT- FDG của bệnh nhân trước điều trị (1/2022) cho thấy có tổn thương xương, tăng chuyển hóa FDG khu trú ở đốt sống D8 (SUVmax: 4,47).

Không phát hiện hình ảnh tăng chuyển hóa FDG khu trú, bất thường ở nhu mô phổi hai bên và các vùng khác trong cơ thể.

Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

Từ những kết quả trên các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến phổi phải tái phát sau phẫu thuật di căn xương cột sống (giai đoạn IV), không có đột biến EGFR/ALK, không rõ bộc lộ PD-L1.

Sau đó bệnh nhân được điều trị bước 1 bằng liệu pháp MD phối hợp với hóa trị, cụ thể là Pembrolizumab 200mg/ngày, truyền tĩnh mạch ngày 1; Pemetrexed 500mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1 và Carboplatin AUC 5mg/ml/phút, truyền tĩnh mạch ngày 1. Bệnh nhân được tiến hành điều trị 6 chu kỳ cách nhau 21 ngày và không gặp bất cứ một tác dụng ngoại ý nào.

Kết quả sau 6 chu kỳ điều trị tình trạng lâm sàng bệnh nhân tốt lên, bệnh nhân tăng 2kg và triệu chứng đau cột sống biến mất hoàn toàn.

Đáng mừng hình ảnh chụp PET/CT sau 6 chu kỳ điều trị MD + Hóa trị vào tháng 7/2022 cho thấy hình ảnh đặc xương ở thân đốt sống D8, tăng chuyển hóa FDG (SUVmax: 2,46; giảm chuyển hóa FDG so với phim chụp ngày 25/1/2022).

“Như vậy, sau điều trị bệnh đáp ứng một phần. Từ đó có thể thấy, liệu pháp MD phối hợp với hóa trị đã mang lại kỳ vọng sống thêm cho người bệnh UTPKTBN giai đoạn di căn xa không có đột biến EGFR/ALK và không bộc lộ PD-L1”, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai thông tin.

PGS. TS Phạm Thị Cẩm Phương cho biết thêm, ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.

Trên thế giới, hiện nay ung thư phổi đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong.

Theo Globocan 2020, tại Việt Nam ung thư phổi là một trong loại ung thư phổ biến nhất (sau ung thư gan) chiếm 14% trên tổng số các loại ung thư với tỷ lệ mới mắc 182.563ca/ năm. Tỷ lệ tử vong chiếm 20,6% (122.690 ca/năm).

Để phòng bệnh, các chuyên gia nhấn mạnh, cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư phổi là không hút thuốc lá. Bởi người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn rất nhiều (khoàng 20 lần) so với người không hút thuốc lá.

N. Huyền

Bài liên quan
  • Bé gái chào đời với cân nặng 5kg
    Bé gái là con thứ 3 trong gia đình. Mẹ bé bị đái tháo đường thai kỳ, từng phải lọc máu do viêm tụy cấp. Thời điểm nhập viện, sản phụ có chỉ số mỡ máu tăng gấp 10 lần mức bình thường.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chỉ đau nhẹ vùng lưng không ngờ tái phát bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO