Chỉ cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM với ông Lê Thanh Hải là chưa 'quyết liệt'

09/03/2021 10:30

Cử tri tỉnh Long An băn khoăn, ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ bị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM là 'chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt'.

Thanh tra Chính phủ mới đây có văn bản gửi các địa phương về việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14.

Theo đó, cử tri tỉnh Long An gửi kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ bày tỏ sự quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện thời gian vừa qua.

Cử tri tỉnh này cho rằng, việc phòng, chống tham nhũng góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, cử tri Long An cho rằng, vẫn còn một số vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ cấp cao chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt.

Chỉ cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM với ông Lê Thanh Hải là chưa 'quyết liệt'
Ông Lê Thanh Hải. Ảnh: VietNamNet

"Trong đó có vụ án Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm nhưng chỉ bị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Đề nghị Trung ương xử lý quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đáp ứng được lòng tin của nhân dân đôi với Đảng và Nhà nước", trích kiến nghị của cử tri tỉnh Long An.

Cùng nội dung liên quan đến các kiến nghị về tiếp tục tăng cường, quyết liệt, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng... cử tri Hà Nội cho rằng công tác chống tham nhũng tại cơ sở còn hạn chế, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác chỉ đạo trong việc phòng, chống tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm minh hơn nữa các vụ tham nhũng ở cơ sở.

Còn cử tri tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, trước thực trạng cán bộ, công chức trong bộ máy Đảng, Nhà nước nắm quyền lực tham nhũng, lãng phí gây hậu quả lớn cho Đất nước, địa phương.

"Đối với Luật phòng, chống tham nhũng cần có các biện pháp mạnh hơn nữa đối với những người nắm quyền lực trong bộ máy Đảng, Nhà nước", cử tri Quảng Trị kiến nghị.

"Đã kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý"

Phúc đáp các kiến nghị của các cử tri liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nhìn nhận, với quyết tâm chính trị của Đảng cùng sự tham gia của Nhà nước và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, các biện pháp phòng ngừa đã làm giảm thiểu nguy cơ phát sinh các vụ việc tham nhũng; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ tham nhũng lớn và những người có hành vi tham nhũng giữ chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước được quan tâm, chỉ đạo sát sao; quyết tâm thu hồi triệt để tài sản tham nhũng... những kết quả đó đã củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước...

Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo hàng loạt các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, nhiều vụ án tồn đọng từ những năm trước đã được giải quyết, số vụ án khởi tố mới năm sau cao hơn năm trước.

Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng không ngừng được cải thiện ở địa phương, giảm dần số địa phương không có án tham nhũng khởi tổ mới, bước đầu khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng ngày càng được thực hiện triệt để và hiệu quả hơn, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Phối hợp xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp, qua đó khẳng định quyết tâm của Đảng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

Theo Thanh tra Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua thanh tra, kiểm toán phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 135 nghìn tỷ đồng và gần 800 hecta đất. Kiến nghị xử lý hành chính đối với gần hai nghìn tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng, tập trung hoàn thành thanh tra, kiểm toán các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Đáng chú ý, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có 21 ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng (hai ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...

Bài liên quan
  • Khảo sát, đánh giá DDCI năm 2024 của TP. HCM có gì mới?
    UBND TP. HCM ban hành Kế hoạch khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) TPHCM năm 2024 nhằm đề ra giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố; chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác điều hành của các đơn vị được khảo sát.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chỉ cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM với ông Lê Thanh Hải là chưa 'quyết liệt'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO