Quan điểm này được đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Ủy viên Ủy ban Kinh tế) nêu ra tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban, thẩm tra nội dung về kinh tế - xã hội.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nhận định một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành "thị trường ngầm" về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát.
Ủy ban này phản ánh thực trạng hành vi ưa thích vàng, ngoại tệ ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp. Việc này, theo cơ quan thẩm tra, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng.
Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh phải quản lý tốt hơn thị trường vàng.
Ông đánh giá việc tổ chức đấu thầu vàng là đúng và kịp thời, song theo vị đại biểu, chênh lệch giá vàng không phải chuyện lớn, mà quan trọng là công tác quản lý thế nào.
"Hiện nay cứ nói giá vàng cao, ví dụ giá ngày hôm nay là 80,82 triệu đồng/lượng, nhưng không biết khối lượng bán ra là bao nhiêu", đại biểu Thịnh đặt vấn đề.
Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế, tất cả điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ. "Nếu quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm giao dịch lúc đó sẽ không có tình trạng thao túng", ông Thịnh nêu quan điểm.
Với công nghệ hiện nay, tất cả khối lượng vàng bán ra ở các cửa hàng đều có máy cập nhật, nên theo ông Thịnh, việc quản lý giao dịch không quá khó, nhưng nếu làm được sẽ triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng.
"Khi nào nhu cầu vàng quá lớn, Nhà nước tổ chức đấu thầu, lợi ích sẽ vào Nhà nước. Nhà nước không mong lợi ích ở đây nhưng cần bình ổn và ngăn trục lợi", vị đại biểu tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Trao đổi thêm bên lề về quan điểm vừa chia sẻ, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng diễn biến thị trường vàng ảnh hưởng nhiều hay không đến nền kinh tế, phải có khối lượng giao dịch cụ thể. Vì thế cần có quy định về quản lý khối lượng trong ngày.
"Hiện nay thông tin rất mù mờ, chỉ biết giá mà không biết khối lượng đi theo. Phải biết khối lượng mới nắm được quy mô giao dịch, từ đó đưa ra quyết định chính sách phù hợp", ông Thịnh nói.
Vị đại biểu khẳng định thêm, việc quản lý khối lượng giao dịch không hề ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, vì vàng là hàng hóa đặc biệt, nếu không quản chặt sẽ làm chảy máu ngoại tệ.