Chế độ lấy gió trong và gió ngoài trên ô tô khác gì nhau, dùng thế nào hiệu quả?

29/09/2024 08:51

Trên hệ thống điều hoà ô tô, chế độ lấy gió trong và gió ngoài có những tác dụng rất khác nhau, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đảm bảo sức khoẻ mà còn liên quan đến mức tiêu thụ nhiên liệu của xe.

Nhiều tài xế dù có thâm niên "ôm vô lăng" cũng không để ý hoặc không hiểu được ý nghĩa, sự khác biệt giữa chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài trên ô tô.

lay gio trong va ngoai xe 2 jpeg.webp
Nút lấy gió ngoài trên cụm điều khiển điều hòa thường có ký hiệu mũi tên đi thẳng, còn lấy gió trong có ký hiệu mũi tên "quay đầu" trong xe. Ảnh minh họa: VietMap

Trên thực tế, lấy gió trong và lấy gió ngoài rất khác biệt về cơ chế hoạt động. Hai chế độ này được hiển thị bởi 2 nút bấm ở gần nhau hoặc có những dòng xe tích hợp vào chung 1 nút bấm trên bảng điều khiển.

Giống như tên gọi, lấy gió ngoài là chế độ hệ thống điều hoà, quạt gió sẽ hút luồng không khí từ môi trường bên ngoài vào trong xe. Không khí này sẽ đi qua lọc gió, sau đó vào giàn nóng của điều hòa trước khi được đưa vào để duy trì nhiệt độ trong cabin ô tô.

Ưu điểm của chế độ lấy gió ngoài là không khí trong xe luôn được thay đổi, giàu ô xy hơn (hay còn gọi là khí tươi), giúp những người trên xe tỉnh táo, đỡ say xe.

Tuy nhiên, chế độ này cũng có nhược điểm là nếu nguồn không khí bên ngoài không sạch thì trong xe sẽ có mùi. Vào mùa hè, khi nhiệt độ không khí rất cao, việc lấy gió ngoài sẽ gây áp lực cho hệ thống điều hòa của xe, khiến xe tốn nhiên liệu hơn

Ngược lại, ở chế độ lấy gió trong, hệ thống điều hòa sẽ sử dụng chính nguồn không khí bên trong khoang lái, chạy qua lọc gió điều hòa và quay ngược trở lại các cửa gió. Hiểu nôm na, không khí này được "tái sử dụng" liên tục bên trong khoang xe.

Chế độ lấy gió trong thường được các lái xe sử dụng do có ưu điểm là tránh được không khí ô nhiễm và mùi khó chịu bị hút vào cabin. Ngoài ra, chế độ này cũng có khả năng làm mát nhanh hơn, giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể, nhất là vào mùa hè.

Tuy vậy, nếu lấy gió trong quá lâu, lượng ô xy trong cabin sẽ giảm sút, khiến những người trên xe dễ mệt mỏi, khó thở nếu đi đường dài.

W-lai xe Suzuki.jpg
Khi lái xe đường dài và ở những nơi có chất lượng không khí tốt, tài xế nên để chế độ lấy gió ngoài. Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp

Từ đặc điểm rất khác nhau ở trên, các tài xế giàu kinh nghiệm đúc kết rằng, nên sử dụng chế độ lấy gió ngoài khi lái xe với tốc độ khá cao, chở đông người, đi đường dài ngoài đô thị và những nơi có không khí trong lành, mát mẻ. Ngoài ra, lúc mới khởi động xe, tài xế cũng nên để chế độ này để lấy khí tươi từ bên ngoài, giảm bớt mùi trong xe.

Còn chế độ lấy gió trong phù hợp với mọi dải tốc độ, đặc biệt là đi trong thành phố. Nên dùng trong điều kiện nhiệt độ cao (mùa hè), nơi có không khí ô nhiễm, có bụi, mùi,... Ngoài ra, nên lấy gió trong khi đi dưới trời mưa để tránh hút ẩm từ bên ngoài vào cabin và kính lái.

Dù trên nhiều dòng xe đời mới có chế độ điều hòa tự động, khi đó hệ thống cảm biến của chiếc xe sẽ tự tính toán và đưa ra chế độ lấy gió phù hợp. Tuy vậy, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên người dùng nên chủ động sử dụng kết hợp cả hai chế độ này để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/che-do-lay-gio-trong-va-gio-ngoai-tren-o-to-khac-gi-nhau-dung-the-nao-hieu-qua-2324958.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/che-do-lay-gio-trong-va-gio-ngoai-tren-o-to-khac-gi-nhau-dung-the-nao-hieu-qua-2324958.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chế độ lấy gió trong và gió ngoài trên ô tô khác gì nhau, dùng thế nào hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO