Không có sức mà nhận việc
Đến hẹn lại lên, những ngày giáp Tết, nhu cầu dọn nhà của các gia đình lại tăng cao. Những ngày này, người làm nghề dọn nhà làm không hết việc. Vì vậy, đây cũng là thời điểm họ có thu nhập cao nhất trong năm.
Đang dọn nhà cho gia chủ tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), bà Huỳnh Thị Lan (67 tuổi) cho biết, từ đầu tháng Chạp, bà và các đồng nghiệp thường xuyên nhận được điện thoại đặt lịch hẹn, đặc biệt là từ giữa tháng đến những ngày cận Tết. Tuy nhiên, sức lực và thời gian có hạn nên bà không thể nhận hết.
Bà Lan làm nghề dọn vệ sinh đã 20 năm nay. Trước đây bà làm ở công ty dịch vụ dọn vệ sinh nhưng 7 - 8 năm nay bà nghỉ làm ở công ty, ra ngoài làm tự do. Bà cùng mấy đồng nghiệp tổ chức một nhóm, ai kêu thì cùng nhau đi dọn.
Những ngày này, bà cùng 2 đồng nghiệp liên tục chạy "sô". Nếu dọn nhà nhỏ thì một ngày nhận dọn 2 nhà, còn nhà lớn một ngày chỉ nhận một nhà.
"Có những ngôi nhà lớn 4 - 5 tầng thì dọn từ sáng sớm đến tối muộn mới xong. Mình phải cố gắng cho xong trong ngày để giao lại cho chủ nhà", bà Lan nói.
Theo bà Lan, tiền công thường được tính theo m2 đối với những căn nhà lớn và áng chừng ra giá đối với những căn nhà nhỏ. Như căn nhà bà đang làm thuộc diện nhà nhỏ 1,5 tầng có giá 1,2 triệu đồng, phải dọn trong một buổi mới xong.
Đối với những căn hộ lớn, nội thất vừa phải có giá 15.000 đồng/m2, những căn có nhiều nội thất và nội thất cao cấp có giá từ 18.000 - 20.000 đồng/m2.
Bà Lan tính toán, mỗi ngày bà thu được khoảng từ 800.000 - 1.000.000 đồng từ công việc dọn nhà.
Vừa hoàn thành một "sô" lau dọn nhà cửa cho gia chủ, tranh thủ ăn cơm trưa, bà Nguyễn Thị Quảng Hà (54 tuổi, trú TP Đà Nẵng) kể, những ngày này, bà làm không hết việc.
Năm nào cũng thế, tháng Chạp đối với bà là những ngày bận rộn nhất trong năm, nhiều năm làm tận đến 29, 30 Tết mới nghỉ. Năm nay chắc cũng phải tầm đấy. Theo bà Hà, hiện mỗi ngày bà kiếm được tầm một triệu đồng trở lại.
Làm nghề phải có tâm
Theo bà Lan, làm nghề này phải trước tiên phải có cái tâm, phải coi việc dọn nhà họ như đang dọn nhà cho mình.
"Lau dọn phải tỉ mỉ, cẩn thận, không được làm hư đồ của người ta. Phải biết gạch nào thì lau chùi bằng hóa chất nào, không được dùng tạp nham kẻo hư đồ", bà Lan nói.
Cùng quan điểm làm việc với bà Lan, bà Hà cho biết làm công việc này mà không có tâm thì khó mà duy trì được lâu dài. Vì vậy, với nhà của bất cứ khách hàng nào, bà cũng lau dọn rất kỹ càng.
Đối với nhóm của bà Hà, mỗi người đều được phân công công việc cụ thể. Ví dụ người lau dọn phòng khách, người dọn toilet, người lau kính… Sau khi dọn xong nhà, sẽ có một người khác trong nhóm đi kiểm tra. Chỗ nào chưa đạt yêu cầu, người đó sẽ làm luôn và nhắc nhở, "ghi phạt" người làm chưa đạt để lần sau rút kinh nghiệm.
Bà Hà cũng cho biết, bà cùng các đồng nghiệp làm việc luôn giữ chữ tín, đã nhận nào nhà thì làm cho nhà đó.
"Chúng tôi cũng không bao giờ vì cái lợi của mình mà đã nhận nhà này rồi bỏ, sang nhà kia vì giá cao hơn. Dù người khác có trả cao gấp mấy nhưng đã nhận lời làm rồi thì chúng tôi sẽ làm", bà Hà chia sẻ.
(Theo Dân trí)