Cháy rừng tại Australia khiến lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực rộng thêm

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)| 09/03/2023 12:51

Theo các nhà khoa học, các vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Australia khiến lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực rộng thêm hơn 2 triệu km2, tương đương mức tăng 10% diện tích so với một năm trước.

Chay rung tai Australia khien lo thung tang ozone o Nam Cuc rong them hinh anh 1Nhân viên cứu hỏa khống chế các đám cháy tại Tây Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Nature ngày 8/3, khói từ các vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Australia đã gây phản ứng hóa học khiến diện tích lỗ thủng tầng ozone rộng thêm 10%.

Điều này làm tăng quan ngại rằng các vụ cháy rừng ngày càng nhiều có thể làm chậm lại quá trình khôi phục "rào chắn" bảo vệ khí quyển của Trái Đất trước bức xạ cực tím (UV) nguy hiểm.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học tại Mỹ và Trung Quốc đã xác định được một phản ứng hóa học mới trong khói từ cháy rừng, tạo ra chlorine monoxide.

Phản ứng này đẩy nhanh tốc độ suy giảm tầng ozone - một khu vực trong tầng bình lưu có tác dụng làm giảm lượng bức xạ UV đến bề mặt Trái Đất.

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Susan Solomon tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhấn mạnh phản ứng trên đã phá vỡ các khu vực ven lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực, khiến lỗ thủng này rộng thêm hơn 2 triệu km2, tương đương mức tăng 10% diện tích so với một năm trước.

Lỗ thủng tầng ozone lần đầu tiên xuất hiện do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là do chất chlorofluorocarbons (CFC) phát thải từ hệ thống tủ lạnh.

Nghị định thư Montreal năm 1987 được 195 quốc gia phê chuẩn đã giúp giảm mạnh lượng phát thải CFC vào khí quyển, tạo cơ hội để "vá" lỗ thủng tầng ozone.

Mô hình mô phỏng của Liên hợp quốc dự đoán tầng ozone ở Nam bán cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2060. Tuy nhiên, Giáo sư Solomon, người đầu tiên xác định các hóa chất gây thủng tầng ozone ở Nam Cực vào những năm 1980, lo ngại rằng tác động của biến đổi khí hậu có thể làm chậm quá trình phục hồi này.

Lâu nay các nhà khoa học cho rằng lỗ thủng tầng ozone có mối liên hệ với thời tiết cực lạnh, vì các đám mây ở nhiệt độ thấp này tạo môi trường gây phản ứng với CFC, biến chúng thành các hóa chất khác có khả năng phản ứng độc hại với chlorine và hủy hoại tầng ozone.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Solomon, nghiên cứu mới chỉ ra rằng khói từ các đám cháy rừng bốc lên khí quyển cũng có thể tiếp nhận những phân tử này và kích hoạt loạt phản ứng hóa học tạo ra chlorine monoxide, mà không cần tới nhiệt độ cực lạnh.

Thông qua việc kích hoạt phản ứng này, các vụ cháy rừng nhiều khả năng có thể làm suy giảm tạm thời 3-5% diện tích ozone ở các vĩ độ trung bình tại Nam bán cầu, trên khắp Australia, New Zealand, cũng như một số vùng của châu Phi và Nam Mỹ.

Trước đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh công bố hồi tháng 8 năm ngoái cũng kết luận rằng khói bốc lên bầu khí quyển do các vụ cháy rừng "mùa Hè Đen" tại Australia là nguyên nhân khiến lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực to lên.

Nắng Hè gay gắt và hạn hán nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân làm bùng phát các đám cháy "mùa Hè Đen" từ cuối năm 2019 tới đầu năm 2020 tại Australia.

Cháy rừng đã thiêu trụi các khu vực rộng lớn của rừng bạch đàn, khiến khói mù và tro bụi bao trùm thành phố Sydney cùng nhiều thành phố khác trong nhiều tháng. Hỏa hoạn đã khiến hơn 30 người thiệt mạng và khoảng 1 tỷ - 3 tỷ động vật chết hoặc mất môi trường sống.

Các chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu do ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch sẽ dẫn tới các điều kiện thời tiết khô và nóng hơn, từ đó gây ra các vụ cháy rừng trầm trọng hơn./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cháy rừng tại Australia khiến lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực rộng thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO