Bà O. kể, một ngày, thấy ra máu âm đạo, đau bụng dưới nhiều dù đã mãn kinh từ lâu nên bà đi khám, tầm soát ung thư.
Khi nhìn vào kết quả mình bị ung thư cổ tử cung, bà rất buồn, lo lắng. Nhưng khi nghe bác sĩ nói, bệnh của bà mới chỉ ở giai đoạn đầu, có thể trị khỏi bằng phẫu thuật nội soi nên bà bớt lo phần nào.
Ca mổ của nữ bệnh nhân được thực hiện ngày 28/10. Sau 4 giờ thực hiện phẫu thuật nội soi, các bác sĩ đã lấy được toàn bộ tử cung, vòi trứng, buồng trứng kèm hạch chậu 2 bên liền một khối. Toàn bộ các bệnh phẩm được đưa đi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh kiểm soát mực độ xâm lấn và di căn của ung thư. Các cấu trúc mạch máu, thần kinh, niệu quản được bộc lộ rõ và bảo tồn toàn diện.
Sau phẫu thuật, người bệnh không đau nhiều, không còn ra máu hay đau bụng nữa. “Tôi sắp được về nhà rồi, mừng lắm. Giờ tôi chỉ nghe các dặn dò của bác sĩ, không còn lo lắng nữa”, bà O. chia sẻ.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo Ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Những con số trên như hồi chuông cảnh báo để chị em phụ nữ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình.
Các bác sĩ cho biết, để ngừa được căn bệnh này, các chị em nên đi tiêm vaccine HPV trong giai đoạn từ 9-26 tuổi.
Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu bị rong kinh, rong huyết kéo dài cần kiểm tra để phát hiện bệnh kịp thời. Với phụ nữ sau mãn kinh không có triệu chứng ra máu cũng nên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.