Gary Phillips, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư ở Llandegfan, Anglesey, xứ Wales, đã vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy một con châu chấu màu hồng bên ngoài hiên nhà của mình. Anh ngay lập tức lấy máy ảnh và chụp hình con châu chấu trước khi nó biến mất.
"Tôi chưa từng nghe người ta nói về chúng", Phillips chia sẻ. "Tôi cho rằng nó rất hiếm".
Tuy nhiên trên thực tế, châu chấu màu hồng không quá hiếm gặp trong tự nhiên. Theo ước tính của một số chuyên gia, cơ hội để trực tiếp nhìn thấy một con châu chấu màu hồng ngoài đời thực là xấp xỉ 1%.
"Nếu bạn quan sát kỹ chúng ở bất kỳ đồng cỏ nào, cơ hội nhìn thấy chúng thực sự rất cao", Paul Hetherington, chuyên gia từ tổ chức bảo tồn Buglife, chia sẻ. "Cá nhân tôi đã nhìn thấy khoảng 3 con như vậy".
Cách đây không lâu, một người phụ nữ sống ở Anh từng cho biết cô phát hiện tới 6 con "côn trùng bắt mắt" với màu sặc sỡ ở ngay trong vườn của mình.
Theo Hetherington, màu hồng xuất hiện ở châu chấu xảy ra do đột biến di truyền, gọi là erythrism. Đột biến gen này còn được gọi là ban đỏ, do nó khiến cơ thể của loài côn trùng tạo ra nhiều sắc tố đỏ, và ít sắc tố sẫm màu hơn.
Đây được xem là một hiện tượng bất thường do gen lặn gây ra, tương tự như ở các loài động vật bị bạch tạng.
Hetherington cho biết màu sắc rực rỡ này "không có lợi" đối với châu chấu, vì khiến chúng trở nên nổi bật hơn trên nền cỏ xanh, dẫn tới thu hút sự chú ý của những kẻ săn mồi.