Châu Âu có kế hoạch ngừng mua khí đốt tự nhiên của Nga trong vòng 5 năm, thay vào đó lắp đặt các tuabin gió và các tấm pin mặt trời trên quy mô lớn. Nhưng trên thực tế, dự án này vấp phải thách thức lớn do sự phản đối của một loạt các nhóm môi trường, người dân địa phương và cả khó khăn từ chính bộ máy điều hành.
Tại Đức, quốc gia mua khí đốt Nga nhiều nhất tại châu Âu, các nhóm bảo vệ động vật hoang dã thường xuyên phản đối các trang trại điện gió kéo dài thời gian phê duyệt lên hơn 5 năm.
Tại Italy, nước tiêu thụ khí đốt Nga lớn thứ hai châu Âu, giới chức các địa phương đã từ chối nhiều dự án điện gió. xung đột Ukraine
Những "chướng ngại vật" trên khiến tốc độ triển khai các trang trại năng lượng mặt trời cung cấp điện tiêu dùng trên khắp châu Âu bị chậm lại.
Ngoài những quy định khó khăn, làn sóng phản đối của người dân ở Ba Lan, Pháp và Hungary cũng khiến nhiều khu vực rộng lớn của các nước này không thể phát triển điện gió.
Một giám đốc dự án tại WestfalenWIND, một nhà phát triển điện gió của Đức, cho biết: ""Khác biệt giữa những toan tính chính trị và những gì đang diễn ra trên thực tế trong nỗ lực triển khai các dự án năng lượng tái tạo chưa bao giờ lớn đến thế".
Những khó khăn này đang đe dọa làm giảm ý chí chính trị của châu Âu trong mục tiêu ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga nhằm trừng phạt Moscow vì cuộc xung đột tại Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang đề xuất tăng gấp đôi lượng điện gió và tăng gấp ba lần điện mặt trời vào năm 2030, để đạt mục tiêu 45% nguồn năng lượng tái tạo.
Vì vậy, hiện nay giới chức EU đang nỗ lực kêu gọi chính phủ 27 quốc gia thành viên đẩy nhanh thời gian phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo, theo đó phải hợp lý hóa quy trình cấp phép dưới 2 năm. Họ cũng kêu gọi thành lập các đặc khu, nơi những dự án năng lượng tái tạo có thể được phê duyệt trong vòng chưa đến 1 năm.
Lãnh đạo các quốc gia EU cũng cam kết sẽ đẩy nhanh việc triển khai dự án năng lượng tái tạo. Nhưng "chướng ngại vật lớn" của họ ở đây chính là một liên minh lợi ích hùng mạnh từ giới chức và người dân địa phương cho đến các nhóm môi trường.
Giới chức nhiều địa phương ngày càng lo ngại rằng, về lâu dài các trạm điện gió và trang trại năng lượng mặt trời sẽ phá hoại cảnh quan của châu Âu. Các nhóm bảo vệ động vật hoang dã cho biết, một loạt dự án trước đó đã không tính toán đúng về tác động của chúng đối với chim và dơi.
Tại Pháp, do quy định cấm lắp đặt tuabin gió gần radar quân sự và đường bay nên hệ thống này không thể được triển khai tại nhiều khu vực rộng lớn khắp cả nước. Những quy định mới nhằm đánh giá tác động của chúng tới cảnh quan cũng khiến quá trình triển khai bị chậm lại.
Trong khi đó, tại Ba Lan và Hungary, một luật được thông qua năm 2016 khiến việc xây dựng các công viên điện gió mới ở cả hai quốc gia gần như là không thể.
Tại Italy, các giới chức đã chặn hàng trăm dự án năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Theo một nghiên cứu do nhóm vận động hành lang Elettricita Futura thực hiện, các dự án năng lượng tái tạo ở Italy phải mất trung bình 7 năm mới được bật đèn xanh.
Hầu hết các dự án bị chính quyền địa phương chặn lại đều sẽ được giải quyết tại tòa án, nơi các công ty thường được phán quyết có lợi. Nhưng vấn đề là để được giải quyết vấn đề cần mất vài năm và công nghệ đến lúc đó có thể đã khác. Và các công ty phải nộp đơn xin cấp phép lại nếu thay đổi phương án kỹ thuật.
Các dự án điện gió ngoài khơi cũng vậy.
Gần đây, một dự án tại vùng Puglia, phía nam Italy, đã bắt đầu sản xuất điện. Đây là trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên của Italy và chính phủ nước này coi đó là minh chứng cho thành công của ngành năng lượng tái tạo. Nhưng dự án này đã phải mất 14 năm kể từ khi được phê duyệt cho đến khi đi vào hoạt động.