Tổng thống Ukraine phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 5/4. (Nguồn: Newswep) |
Tiếp theo động thái tương tự nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Đan Mạch,... ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha thông báo sẽ trục xuất 10 nhân viên thuộc Đại sứ quán Nga tại Lisbon.
Lisbon cho biết, số nhân viên này đã được tuyên bố là “nhân vật không được hoan nghênh” và có 2 tuần để rời khỏi Bồ Đào Nha.
Theo Bộ trên, không có ai trong số nhân viên Đại sứ quán Nga bị trục xuất là nhà ngoại giao.
Tuyên bố của Lisbon nêu rõ: “Chính phủ Bồ Đào Nha nhấn mạnh sự lên án cứng rắn và quyết liệt của mình đối với chiến dịch của Nga ở Ukraine”.
Cùng ngày 5/4, Romania cũng thông báo sẽ trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc "hành xử không phù hợp với quy tắc quốc tế".
Bộ Ngoại giao Slovenia cũng thông báo trục xuất 33 nhà ngoại giao Nga, đồng thời triệu Đại sứ Nga Timur Ejvazov đến trụ sở để bày tỏ thái độ phản đối của Ljubljana đối với vụ việc ở Bucha.
Trước đó, cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell tuyên bố: "Tôi không chấp nhận tư cách của nhiều quan chức thuộc phái bộ thường trực của Liên bang Nga tại EU vì đã tham gia vào các hoạt động trái với quy chế ngoại giao của họ".
Theo ông Borrell, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu đã mời người đứng đầu phái bộ Nga đến để nắm được quyết định này.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hối thúc Liên hợp quốc hành động "ngay lập tức" trước hành động quân sự của Moscow tại nước này.
Ông Zelensky cũng hối thúc Liên hợp quốc tước quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an trên cương vị một ủy viên thường trực.