Châu Á lo thiếu lương thực vì chiến sự Nga – Ukraine

06/03/2022 07:15

Nguồn cung hàng hóa từ Nga và Ukraine bị gián đoạn vì bùng nổ xung đột quân sự khiến châu Á đối mặt nguy cơ thiếu lương thực.

Giới phân tích nhận định, các nền kinh tế châu Á đang phải chứng kiến tình trạng giá cả tăng phi mã do ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine còn đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực do hoạt động vận chuyển đường biển bị gián đoạn và chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Tổ chức phân tích S&P Global Commodity Insights cho hay, ít nhất 8 lô hàng vận chuyển ngô chủ yếu làm thức ăn cho gia súc di chuyển từ Biển Đen giao cho các nhà nhập khẩu châu Á đã phải hủy chuyến kể từ đầu tuần này. Tình hình khiến một số công ty phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế từ các quốc gia khác.

Châu Á lo thiếu lương thực vì chiến sự Nga – Ukraine
Ruộng trồng ngô của nông dân sinh sống ngoài thủ đô Kiev, Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Cũng theo S&P, giá bán ngô đã tăng 17% kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ.

“Người mua và người bán ở châu Á đang tranh giành nguồn cung ngô và lúa mì, bởi nguồn cung từ Biển Đen đã bị cắt đứt. Những người mua đã sẵn sàng trả giá cao hơn để mua ngô giao trong 3 – 4 tháng tới cho khu vực Bắc Á”, S&P cho hay.

Theo công ty phân tích lương thực và kinh doanh nông sản RaboResearch, Ukraine, quốc gia có các tàu hàng di chuyển từ Biển Đen, hiện là nhà xuất khẩu ngô quy mô lớn và chiếm 16% tổng khối lượng xuất khẩu hàng năm của thế giới.

Song chiến sự bùng phát khiến nhiều khu vực ở Biển Đen, vùng biển chung giữa Ukraine, Nga và nhiều quốc gia khác, phải dừng hoạt động và dừng các tuyến đường biển xuất khẩu sang châu Á.

“Nhiều khu vực ở Biển Đen và biển Azov hiện là khu vực nguy hiểm để đi qua. Nhiều vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các tàu đã xảy ra, cùng tình trạng bắt giữ tàu hàng, và đóng cửa các tuyến đường biển thương mại. Các cảng biển của Ukraine ở Odessa và Mariupol hiện đã bị đóng cửa, hư hại hoặc đang bị tấn công. Hàng hóa và thiết bị đang bị mắc kẹt tại các cảng biển. Do hoạt động gián đoạn vận tải đường thủy đang diễn ra ở Biển Đen, chúng ta sẽ chứng kiến container chồng chất ở các cảng và dẫn tới tình trạng không còn chỗ lưu trữ trong toàn khu vực”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời CEO Christian Roeloffs của công ty chuyên cho thuê container Container xChange.

Giữa lúc không còn nhà kho trống, số lượng lớn lúa mì của Ukraine ở Hàn Quốc được dùng làm thức ăn cho gia súc cũng chỉ còn đủ dùng tới cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bảy. Sau thời gian này, nhiều ngành công nghiệp thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng hoạt động, theo công ty tình báo thị trường nông sản và thực phẩm Tridge.

Cũng theo Tridge, hôm 3/3, chính phủ Hàn Quốc đã ra thông báo về kế hoạch giảm lãi suất các khoản vay trợ cấp của chính phủ để mua thực phẩm.

Ấn Độ, quốc gia có lượng tiêu thụ dầu thực vật lớn nhất thế giới, cũng đang phải tìm nguồn cung dầu cọ thay thế sau khi nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine bị cắt đứt. Đáng nói, các nhà xuất khẩu dầu cọ như Indonesia và Malaysia cũng đã chuyển sang thắt chặt hoạt động xuất khẩu để đảm bảo nhu cầu cung ứng trong nước, theo S&P.

Toàn khu vực châu Á, Trung Quốc, quốc gia mua nhiều loại thực phẩm từ Nga và Ukraine cùng Hàn Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đều là khách hàng của các nước ở Biển Đen.

Bên cạnh Nga, Ukraine được biết tới là nhà cung cấp quy mô lớn mặt hàng ngô, dầu hướng dương và lúa mì.

Ukraine và Nga cũng là nhà cung cấp yến mạch và ngũ cốc cho khu vực châu Á. Hiện Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar đang đối mặt với tình trạng khan hiếm những mặt hàng này.

Bên cạnh đó, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á còn phụ thuộc vào nguồn cung phân bón và các nguyên liệu thô như lưu huỳnh và kali cacbonat từ Nga và Ukraine.

Các chuyên gia kinh tế nhận định nguồn cung các mặt hàng nhập khẩu số lượng lớn bị giới hạn đang làm ảnh hưởng tới cán cân chuỗi cung ứng thực phẩm ở châu Á, làm ảnh hưởng năng suất sản xuất các loại thực phẩm dành cho con người, đồng thời làm tăng tỷ lệ lạm phát.

“Thực phẩm chiếm một phần lớn trong quỹ giá tiêu dùng của người dân ở nhiều nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này sẽ dẫn tới lạm phát giá cả tiêu dùng và nguy cơ ảnh hưởng tới mức chi tiêu của người dân”, chuyên gia kinh tế Bernard Aw và Eve Barre tại tổ chức bảo hiểm tín dụng toàn cầu Coface cho biết.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service cho hay triển vọng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia là khá mờ nhạt.

“Áp lực giá tiêu dùng sẽ dẫn tới mất giá đồng tiền và tăng tỷ lệ lạm phát. Một số quốc gia có thị trường mới nổi sẽ thắt chặt các điều kiện tài chính và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng. Giá dầu và thực phẩm gia tăng sẽ khiến chi tiêu của các hộ gia đình cho những mặt hàng khác bị giới hạn”, Moody nhận định.

Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm hàng xuất khẩu từ Nga và Ukraine đang trở thành cơ hội làm ăn cho một số nước trong khu vực châu Á. Điển hình, Australia đang trở thành nhà cung ứng lúa mì thay thế cho các nước châu Á, theo S&P.

Nhà cung cấp ngũ cốc quy mô lớn của Australia CBH đã tăng thêm 540.000 tấn hàng để xuất khẩu giữa lúc nhu cầu mua gia tăng. CBH còn đề nghị nông dân ở khu vực Tây Australia hỗ trợ tình nguyện dùng xe tải vận chuyển ngũ cốc từ nông trại tới các cảng để giao hàng.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Châu Á lo thiếu lương thực vì chiến sự Nga – Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO