Lính Mỹ trên đường băng ở căn cứ không quân Bargam, Afghanistan. (Nguồn: AFP) |
Tác động đến Đông Nam Á
Thời gian sẽ trả lời việc Mỹ đột ngột từ bỏ Afghanistan sau gần 20 năm cam kết có phải là một thời điểm mang tính quyết định trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden hay không.
Trong khi các nhà phân tích và bình luận cho rằng, động thái này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của Mỹ trong ngắn hạn, vẫn có ý kiến nhận định, bước đi này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các mục tiêu dài hạn và lợi ích chiến lược của Mỹ ở các khu vực, đặc biệt là ở Đông Nam Á - chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc.
TS. Lê Hồng Hiệp đến từ Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak nhận định, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan ít khả năng làm giảm mạnh uy tín của Mỹ ở Đông Nam Á.
Ông Hiệp nói thêm: “Về lâu dài, Đông Nam Á rốt cuộc có thể được hưởng lợi từ việc Mỹ rút khỏi Afghanistan”.
Việc Taliban quay lại nắm quyền đặt ra những lo ngại về an ninh cho toàn bộ khu vực.
Tuần này, tờ Straits Times dẫn lời một quan chức tại Cục An ninh Nội địa Singapore nói rằng, sự trở lại của Taliban có thể dẫn đến việc “gia tăng các hoạt động liên quan đến khủng bố ở Đông Nam Á”.
Giới chức an ninh Indonesia cũng lo ngại rằng, chiến thắng của Taliban có thể truyền cảm hứng cho các hoạt động mới của Nhà nước Hồi giáo, cũng như các chiến binh của Al-Qaeda ở Đông Nam Á, bao gồm cả Jemaah Islamiyah.
Câu trả lời của lịch sử
Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ chấm dứt sự can thiệp trực tiếp và kéo dài ở Afghanistan có thể đồng nghĩa với việc gia tăng cam kết đối với các khu vực khác.
Khi lớp bụi lắng xuống, việc rút lui khỏi Afghanistan là cần thiết, và động thái này sẽ tạo cơ hội cho Mỹ tập trung mạnh mẽ hơn vào việc duy trì vị thế trong tương lai ở Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.
Trên phương diện nào đó, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cũng là đỉnh điểm của việc Washington chuyển hướng sự chú ý khỏi khu vực Trung Đông, vốn lần đầu tiên được định hình vào đầu những năm 2010 khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đưa ra chính sách “xoay trục” sang châu Á vào năm 2011.
Tổng thống Biden đã tìm cách bảo vệ quyết định rút toàn bộ quân đội Mỹ thông qua việc nhấn mạnh rằng, nước Mỹ không thể tiến hành cái gọi là “các cuộc chiến tranh không hồi kết”.
Một bài xã luận trên tờ Jakarta Post kết luận rằng: “Một bài học mà chúng ta có thể học được từ Afghanistan, là cho dù một quốc gia có vai trò chiến lược đến đâu, thì cuối cùng, quốc gia đó cũng phải đứng vững trên đôi chân của mình…
Chúng ta cảm thấy rất buồn cho người dân Afghanistan. Nhưng như ông Biden đã nói, người dân Afghanistan phải quyết định tương lai của đất nước họ”.
Ở một cấp độ cơ bản hơn, sẽ là không phù hợp khi cho rằng, sự thất bại của chính sách ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hành động của Mỹ tại các khu vực khác trên thế giới.
Các chính sách an ninh của Mỹ trong khu vực mang tính truyền thống hơn, được thiết kế để hỗ trợ chủ quyền quốc gia, đảm bảo lòng tin của các đối tác, và chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Ngoài ra, các khu vực có thể xảy ra xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như Biển Đông, Eo biển Đài Loan, cũng không giống với sự can thiệp của Mỹ vào Trung Đông.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á, thử thách của Mỹ là làm thế nào để can dự tốt hơn với một số nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới, đồng thời giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cũng có thể cho rằng, các lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Á mang tính quốc tế cao hơn nhiều, nếu so với những nỗ lực xây dựng nhà nước mà nhiều người coi là mang tính ý thức hệ ở Trung Đông.
Tham vọng của Mỹ trong khu vực cũng phù hợp với nguyện vọng của Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thuộc Bộ tứ (Quad), cũng như các đồng minh quan trọng khác.
Nếu lịch sử cho chúng ta thấy một điều nào đó, thì đó là việc Mỹ rút quân ở một khu vực này thường đồng nghĩa với một sự can dự thậm chí còn lớn hơn ở một khu vực khác.
*Ông David Hutt là một nhà báo chính trị tự do người Anh chuyên viết về các vấn đề chính trị và đối ngoại của châu Âu, quan hệ EU-châu Á và chính trị Đông Nam Á.