Theo đánh giá của ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn: “ChatGPT ra đời sẽ là trợ thủ giúp thúc đẩy giáo viên cập nhật, ứng dụng công nghệ sáng tạo trong bài giảng để tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho học sinh, đồng thời hỗ trợ, rèn luyện chuyên môn tốt hơn. Công nghệ này không thể thay thế vai trò của người thầy trong việc giáo dục học trò”.
Công nghệ chỉ hỗ trợ không thể thay thế
Vị trưởng phòng cho biết thêm: "Dựa trên đặc thù của học sinh miền núi nơi tôi đang công tác, cụ thể khi mới đến trường, nhiều em nói tiếng phổ thông chưa rõ; đôi khi các em còn nói bằng tiếng dân tộc, lúc này thầy cô chính là người hướng dẫn, dạy các em cách giao tiếp tiếng phổ thông.
Bên cạnh đó, đầu năm học để học sinh hoà đồng, tham gia các hoạt động giáo dục, truyền tải tốt bài giảng đôi khi cô giáo còn phải dạy song ngữ là tiếng phổ thông và tiếng dân tộc".
Mặt khác, với học sinh ở vùng núi việc tiếp xúc công nghệ thông tin còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; nhiều thầy cô giáo có tuổi ít được tiếp xúc với công nghệ thông tin hiện đại cộng với tư duy ngại đổi mới cũng phần nào khó khăn trong khai thác và sử dụng ứng dụng này.
Giáo dục là ngành đặc biệt, liên quan đến hình thành năng lực, phẩm chất, kỹ năng của con người. Do đó, một cỗ máy hay công nghệ vô tri vô giác không thể dạy được vai trò của người thầy.
Bày tỏ quan điểm, ông Ngô Văn Hiền đồng thời nhấn mạnh, công nghệ chỉ hỗ trợ học sinh các kỹ năng như viết sao cho đúng chính tả, trong tính toán làm sao đưa ra kết quả nhanh nhất và chính xác nhưng không thể phân tích được vì sao lại ra được kết quả đó. Quan trọng nhất, người dùng biết chắt lọc, sử dụng công nghệ này sao cho hiệu quả tránh phản tác dụng.
Tình yêu thương, sẻ chia chỉ có ở con người
Theo chia sẻ của cô Lê Thị Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS &THPT Đăk GLong (huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông): “Sau khi công nghệ trí tuệ nhân tạo ChatGPT ra đời, tôi cũng đã nghiên cứu và thử ứng dụng để nắm bắt được xu thế cũng như những tính năng ưu việt được giới thiệu từ công nghệ này. Qua trải nghiệm, tôi khẳng định công nghệ này không thể thay thế vai trò, vị trí của người giáo viên trong giáo dục”.
Cụ thể, cô Lê Thị Anh phân tích, trong lớp, mỗi học sinh có năng lực, khả năng tiếp thu kiến thức, bài giảng khác nhau, do vậy quá trình soạn giáo án, người thầy phải dựa trên cách tiếp nhận, khả năng và phân loại từng nhóm năng lực của học sinh. Nếu giáo viên chỉ dựa vào giáo án sẵn từ ChatGPT, bài giảng bị hạn chế, hiệu quả tiếp thu kiến thức chỉ ở một số em có năng lực phù hợp với bài giảng mà ChatGPT đưa ra.
Tuy nhiên, theo cô Lê Thị Anh, nếu giáo viên sử dụng ChatGPT làm tài liệu tham khảo thì tốt, còn nếu ỷ lại thì nó sẽ bị hạn chế, không có sự sáng tạo trong soạn bài giảng thì kiến thức chuyên môn sẽ bị mai một.
Bên cạnh đó, vai trò của người thầy không chỉ là đứng lớp truyền đạt kiến thức mà, trong tất cả chương trình giáo dục ngoài phát triển năng lực đều hướng đến phát triển kỹ năng cho học sinh, giúp học sinh biết đồng cảm, sẻ chia….
“Đơn cử như trường tôi, học sinh dân tộc thiểu số học tập nội trú, xa bố từ lúc mới hơn 10 tuổi, vì vậy các kỹ năng, xử lý tình huống hàng ngày đều do thầy cô hướng dẫn và hỗ trợ do vậy công nghệ, máy móc không thể thay thế và dạy dỗ các em được”, cô Lê Thị Anh nói.
"ChatGPT ra đời cũng là thách thức đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tư duy, suy nghĩ trong giảng dạy, yêu cầu người thầy phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, số hoá bài giảng, đặc biệt phải nghiên cứu tài liệu để bổ sung chuyên môn cho bản thân”, cô Lê Thị Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS &THPT Đăk GLong (huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ.