ChatGPT "lên ngôi": Học sinh có nhất thiết phải đến trường?

Mỹ Hà| 20/02/2023 13:17

Sở dĩ mỗi ngày em tốt lên một chút là nhờ sự chăm sóc và dạy bảo của thầy cô. Giáo viên đã gieo cho em niềm hạnh phúc, điều đó không có bất cứ AI nào làm được".

Trên đây là chia sẻ của một sinh viên tại hội thảo "Học sinh có nhất thiết phải đến trường trong thời đại AI (trí tuệ nhân tạo)?", do Trường Phổ thông liên cấp Edison tổ chức tại Hà Nội ngày 19/2.

ChatGPT biết làm thơ, giải toán

Chia sẻ tại hội thảo, Vũ Ngọc Quý, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cho biết, hồi bé em học trường công lập và lên cấp 2 đã chuyển sang trường ngoài công lập.

"Tính cách của em khá nổi loạn, do vậy em không thích các bài văn tả bố mẹ em theo mô típ nhất định.

Chẳng hạn mẹ nào mặt cũng trái xoan, còn bố thì hai người ôm không xuể- đó là tả cây bàng chứ không phải tả bố.

Bố lúc nào cũng phải mạnh mẽ, mẹ lúc nào cũng phải đảm việc nhà và em thấy không đúng bởi ở nhà bố em toàn nấu cơm, mẹ mới là người kiếm tiền", Quý hóm hỉnh chia sẻ.

ChatGPT lên ngôi: Học sinh có nhất thiết phải đến trường? - 1

Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng điều hành Trường Phổ thông liên cấp Edison (Ảnh: V. Ngọc).

Và sau đó, cậu bé này quyết định viết văn theo cách của mình: Em viết về lớp trưởng bằng cách gieo vần một bài thơ.

"Tất nhiên sau đó bài thi của em có điểm thấp nhất lớp nhưng em rất hạnh phúc vì lớp trưởng sau đó đã trở thành lớp phó", Quý dí dỏm nói.

Sở dĩ Quý đưa ra những thí dụ trên đây bởi cậu sinh viên này cho rằng, mỗi ngày ở trường em thay đổi thêm một chút phần lớn nhờ cách truyền đạt của thầy cô.

Bà Việt Lâm, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Đại học Fulbright Việt Nam nói rằng, khi ChatGPT đang gây sốt ở Việt Nam, một người quen của chị đã thử cho con sử dụng ứng dụng này để viết một bài văn nghị luận với chủ đề "sự tự tin''.

Kết quả là chỉ trong vài phút, một bài văn nghị luận được đưa ra nhưng chất lượng vượt xa nhận thức và trình độ tự nhiên của một học sinh lớp 8.

Đứng về khía cạnh người làm giáo dục, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam cũng tò mò và thử yêu cầu ứng dụng này thử viết một bài thơ.

ChatGPT lên ngôi: Học sinh có nhất thiết phải đến trường? - 2

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam (Ảnh: V. Ngọc).

Kết quả, máy đã đưa ra một bài thơ khá hay, có cả vần điệu, tất nhiên vẫn với ngôn ngữ Tiếng Anh nhưng khi yêu cầu ứng dụng chuyển thể bài ra lục bát thì chưa thực hiện được.

"Từ xưa đến nay, người lớn yêu cầu học sinh phải tạo ra được một sản phẩm cuối cùng như là viết một bài văn, giải một bài toán, hoàn thành một bức tranh, bây giờ máy móc có thể giúp con người chúng ta làm xong những việc ấy trong một thời gian rất ngắn mà không tốn quá nhiều công sức.

Tuy nhiên, cái mà nhà trường cần ở các em không phải là sự hoàn thành cho xong, cho đủ số lượng, mà chính là cách các em tự tạo động lực nghiên cứu, bắt tay vào thử nghiệm, cùng nhau thực hiện hóa ý tưởng", bà Thủy chia sẻ.

ChatGPT lên ngôi: Học sinh có nhất thiết phải đến trường? - 3

ChatGPT có thể thay thế việc học của học sinh, sinh viên ở trường hay không? (Ảnh: Business Insider).

Khi thầy cô là người gieo mầm hạnh phúc

Tại hội thảo, bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng điều hành Trường Edison nhớ lại câu chuyện lúc còn bé, có lần mình nhờ bố làm giúp sản phẩm thủ công là một chiếc đèn ông sao vì ông là người rất khéo tay.

"Bố là người đã chỉ ra cho tôi rằng dù sản phẩm của mình có méo một chút, điểm có thể không cao hoặc thậm chí sản phẩm còn dở dang chưa thể hoàn thiện nhưng chỉ cần đó là sản phẩm do chính tôi tạo ra thì đó sẽ là sản phẩm ý nghĩa nhất.

Quan trọng là phải bắt tay vào làm, sai thì sửa, sửa lần một chưa được thì sẽ còn lần hai, lần ba…

Đó là điều còn đáng giá hơn là nhắm đến một sản phẩm cuối cùng để đạt điểm cao. Tôi đã áp dụng quan điểm giáo dục đó cho các học sinh, trong đó có cả con cái của chính mình.

Tôi đã từng hỏi cậu con trai đang học lớp 9 xem liệu có muốn sử dụng ChatGPT để hỗ trợ cho việc học không?

Tôi nhận câu trả lời cũng khiến mình ngạc nhiên, rằng con không có nhu cầu sử dụng. Con không thích những câu trả lời có sẵn bởi con muốn chính mình sẽ là người đi tìm lời giải cho mọi đề bài.

Nó có thể giúp con có được một đáp án đầy đủ nhưng con lại không biết tại sao và làm như thế nào để có đáp án đúng đó, vậy thì việc học, hiểu và áp dụng trong tương lai còn có ý nghĩa hay không", bà Tuệ Minh nhớ lại.

ChatGPT lên ngôi: Học sinh có nhất thiết phải đến trường? - 4

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: V. Ngọc).

Là người từng trải nghiệm ChatGPT, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, công cụ này đưa ra đáp án rất thuyết phục.

Do vậy, nếu học sinh, sinh viên ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo vào việc học để hỗ trợ được cho việc học tập, đó là tín hiệu đáng mừng nhưng điều đó không có nghĩa nó là công cụ "học thay" sinh viên.

"Trên thực tế, có rất nhiều vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết một mình. Chúng ta cần đội nhóm, cần những ý kiến thậm chí trái chiều hay phản biện để dự án phát triển hơn, đó là điều ChatGPT không thể làm thay con người được", bà Huyền khẳng định.

Với câu hỏi: "Với những kĩ năng kỳ diệu không khác gì con người như vậy, liệu học sinh có nhất thiết phải đến trường trong thời đại AI"?

ChatGPT lên ngôi: Học sinh có nhất thiết phải đến trường? - 5

Vũ Ngọc Quý, Sinh viên Trường Đại học RMIT (Ảnh: V. Ngọc).

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, con trai bà đang học lớp 6. Thông thường bà sẽ hỏi các con rằng hôm nay đến trường có gì vui không?

"Cách đây hai ngày, con về phấn khởi lắm, con bảo rằng rất vui vì hôm nay được bạn mời đi ăn kem. Đơn giản vậy thôi nhưng đó lại là niềm vui lớn nhất trong ngày của con.

Các con đến trường không chỉ để học chữ, để lấy điểm, để lấy bằng mà các con còn thể hiện bản thân mình và kết nối với bạn bè để tăng cường chỉ số cảm xúc của chính mình.

Dù công nghệ phát triển bao nhiêu, con người lại càng cần sự kết nối mang khuôn mặt con người bấy nhiêu", bà Huyền nói.

Về điều này, sinh viên Vũ Ngọc Quý cũng cho rằng, AI sẽ ngày càng giỏi hơn nhưng suy cho cùng, yếu tố cảm xúc hay yếu tố cá nhân hóa trong việc dạy học lại rất quan trọng.

Khi máy tính ra đời, ai cũng sợ là môn toán sẽ bị thay thế nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Thậm chí, từ khi máy tính ra đời, 45 phút học toán hiệu quả hơn hẳn bởi chúng ta không mất thời gian để tính toán nữa.

"Giáo dục không chỉ là tri thức mà còn hơn thế nữa, đó là đào tạo nhân cách, nhân phẩm, ý chí của con người.

Em học môn vật lý không phải quá giỏi nhưng những buổi sinh hoạt lớp khi thầy nói về quan điểm, bài học mà bọn con hay ví là tiết giáo dục công dân thực tế - bây giờ con vẫn áp dụng.

Đối với chúng em, thầy như một người cha thứ hai, những điều đó AI có thể làm được không ạ?

ChatGPT hay AI có thể cung cấp kiến thức, thu thập thông tin nhưng thầy cô không chỉ cung cấp cho chúng em về mặt tri thức học tập mà em luôn hạnh phúc khi ở trường, điều đó đã lên tất cả", Quý chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
ChatGPT "lên ngôi": Học sinh có nhất thiết phải đến trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO