Theo CNet, ChatGPT (tên đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) là công cụ hỏi đáp tự động được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty công nghệ OpenAI phát triển. Về cơ bản ChatGPT được thiết kế để mô phỏng các cuộc trò chuyện giống của con người, có thể làm thơ theo yêu cầu, thậm chí có thể trả lời các câu hỏi phức tạp theo nhiều phong cách khác nhau. Có người nhận định, chatbot AI này biết mọi thứ, miễn nó kết nối với internet.
Thống kê mới nhất cho thấy, ChatGPT đã vượt qua mốc 10 triệu người dùng hàng ngày chỉ sau 40 ngày, vượt xa tốc độ tăng trưởng ban đầu các mạng xã hội như Instagram - một trong những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay.
"ChatGPT vượt mốc 10 triệu người dùng hằng ngày sau 40 ngày ra mắt chính thức. Trong khi Instagram mất 355 ngày để đạt được 10 triệu người dùng đăng ký", ông Brett Winton, giám đốc mảng hoạch định tương lai tại quỹ đầu tư ARK Venture Investment, viết trên Twitter.
Đại diện OpenAI cho biết đã có hơn 1 triệu người sử dụng ChatGPT trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên nhiều người dùng cũng tỏ ra hoài nghi về nội dung được chatbot AI này tạo ra. Ngay cả vị đại diện của OpenAI cũng từng nhiều lần cảnh báo rằng ChatGPT "đôi khi có thể tạo ra thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm", vì vậy hãy cẩn thận. Ngoài ra, ChatGPT không phải là một hệ thống đủ thông minh để thay thế tất cả con người dù những nội dung nó đưa ra nghe qua có vẻ đáng tin cậy.
ChatGPT là gì?
ChatGPT sử dụng công nghệ AI tạo sinh, với khả năng học từ kho dữ liệu để biết cách tạo ra hầu như mọi loại nội dung chỉ từ một cụm từ ban đầu.
"GPT là viết tắt của 'máy chuyển đổi tạo sinh được hướng dẫn trước'. Đây là mô hình trí tuệ nhân tạo được huấn luyện dựa trên bộ dữ liệu văn bản cực lớn. Bạn có thể cung cấp đầu vào cho nó và nó thì cho bạn sản phẩm đầu ra. Cơ bản những gì nó làm là viết tiếp điều mà bạn cho nó. Nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ trả lời. Nếu bạn yêu cầu nó viết tiếp thứ bạn đang viết, nó sẽ làm", Andrew Patel, nhà nghiên cứu AI tại WithSecure, nói
Sử dụng kỹ thuật học máy có tên gọi Học tăng cường từ Phản hồi con người (RLHF), ChatGPT có thể mô phỏng các cuộc đối thoại, trả lời câu hỏi, nhận lỗi, thách thức các tiền đề sai và bác bỏ các yêu cầu không phù hợp.
Giống như nhiều chatbot AI khác, ChatGPT có nhược điểm lớn là không biết chính xác thông tin nó đưa ra dựa trên dữ liệu trên internet có đúng hay không. ChatGPT vẫn cần đến sự tác tương với người dùng để xác định nội dung nó đưa ra là phù hợp.
“Các câu trả lời bạn nhận được nghe hợp lý và thậm chí có căn cứ, nhưng chúng có thể hoàn toàn sai”, OpenAI cảnh báo. Dù vậy người dùng có thể hỏi ChatGPT bất cứ điều gì, dù bạn có thể không nhận được câu trả lời như mong muốn. Bản thân OpenAI cũng đề xuất cho người dùng một số danh mục câu hỏi mà ChatGPT có thể trả lời được.
ChatGPT có miễn phí không?
Theo Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, ChatGPT hiện tại vẫn miễn phí với một số người dùng, nhưng điều này sẽ thay đổi trong tương lai khi chi phí vận hành hệ thống chatbot AI này không hề nhỏ.
Ở thời điểm hiện tại, OpenAI bắt đầu tính phí khi người dùng sử dụng dữ liệu vượt qua gói tài khoản cơ bản.
Mặt khác, các khách hàng tiềm năng của ChatGPT không đến từ những người dùng đơn lẻ mà là các tập đoàn công nghệ hoặc các nhà đầu tư lớn có sự quan tâm đến công nghệ trí tuệ nhân tạo. OpenAI dự kiến sẽ sớm đạt doanh thu 200 triệu USD vào năm 2023 và 1 tỷ USD vào năm 2024.
Một công cụ như ChatGPT có thể được ứng dụng trong ngành tiếp thị kỹ thuật số, tạo nội dung trực tuyến hay dịch vụ khách hàng. Một vài người dùng còn khám phá ra, nó thậm chí có thể giúp dò lỗi code lập trình.
Giới hạn của ChatGPT là gì?
Như cảnh báo của OpenAI, ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời sai cho bạn. Đôi khi, nó cũng sẽ tự cảnh báo người dùng về những giới hạn của hệ thống, bởi nó chỉ trả lời bạn nếu tìm thấy “đáp án” từ kho dữ liệu trên internet.
Theo chuyên gia về trí tuệ nhân tạo Mike Krause, nếu bạn đặt ra cho ChatGPT một câu hỏi với cấu trúc cụ thể cho phép nó đưa ra một câu trả lời chính xác, thì bạn sẽ nhận được “đáp án” như mong muốn. Điều này cho thấy ChatGPT không có khả năng tự tư duy mà cần đến “từ khóa” của người dùng để tạo ra nội dung.
Cách đăng ký, cài đặt và sử dụng ChatGPT
"Cơn sốt" ChatGPT khiến nhiều người tò mò phải tìm hiểu thông tin về công cụ này, cũng như tìm cách đăng ký ChatGPT, cài đặt ChatGPT và học cách sử dụng ChatGPT.
Điều đáng chú ý là dù ChatGPT đang được giới truyền thông ca tụng, gây sốt trong giới công nghệ toàn cầu nhưng các dịch vụ của OpenAI lại chưa được cung cấp tại Việt Nam cho người dùng Internet thực tế trải nghiệm chính thức.
Tuy nhiên, người dùng Internet tại Việt Nam vẫn có một số cách đăng ký, cài đặt ChatGPT để sử dụng, trải nghiệm công cụ này.
Về cách đăng ký ChatGPT, người dùng có thể đăng ký dùng thử tại website của nhà cung cấp dịch vụ OpenAI.
ChatGPT chưa hỗ trợ người dùng Việt Nam nhưng với một vài "thủ thuật", bạn vẫn có thể đăng ký và cài đặt ChatGPT dễ dàng. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo, nếu không am hiểu về công nghệ thì tốt nhất bạn không nên làm theo để tránh bị lừa đảo.
Một cách khác để trải nghiệm ChatGPT đơn giản và an toàn hơn đó là sử dụng tiện ích mở rộng cho trình duyệt Chrome của Nhà phát triển Merlin.
Sau khi cài đặt tiện ích mở rộng này, bạn hãy đóng và mở lại trình duyệt để bắt đầu sử dụng ChatGPT.
Về cách sử dụng ChatGPT, khi một cửa sổ hiện ra, bạn hãy đặt câu hỏi cho ChatGPT và chờ đợi những câu trả lời "giống như người" vô cùng thú vị và bất ngờ của chatbot AI này.