Chật vật cho trẻ mầm non trở lại trường

Thủy Nguyên| 31/03/2022 17:10

Quãng nghỉ dài trong mùa dịch khiến trẻ mất cân bằng, không hứng thú trở lại trường học. Thêm vào đó, tâm lí lo lắng lây nhiễm học đường của cha mẹ cũng khiến hành trình đi học của trẻ càng thêm chật vật.

Những ngày này, đến cổng trường vào buổi sáng không thiếu cảnh cha mẹ chật vật lộn kéo trẻ đến lớp trong nước mắt ngắn dài.

Trẻ đòi ở nhà, bố mẹ ‘vác’ vào lớp

Tại trường mầm non 25B (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), cô Đ. Thanh - giáo viên lớp nhỏ nhất vừa nhận bé từ tay phụ huynh vừa dỗ dành. Cô cho biết, lớp nhỏ nhất nhận trẻ đến trường sau các lớp lớn hơn. Các bé khóc rất nhiều nên các cô khá vất vả.

“Lẽ ra các con sẽ được làm quen từ đầu năm học nhưng mãi sau Tết mới được đến trường do dịch. Nhiều ba mẹ có tên trong danh sách lớp cũng chưa dám gửi con đến trường nên lớp mới chỉ có khoảng 8, 9 bạn”, cô chia sẻ.

Không chỉ vậy, những bé lớn hơn, đã từng đến trường trước đó giờ bắt nhịp trở lại trường cũng không dễ dàng. Các lớp mầm, chồi, lá đều có cảnh cha mẹ vất vả lôi kéo - thậm chí vác con vào lớp vì bé một mực đòi ở nhà.

6ef3d0f87499bac7e388.jpg
Cả cô giáo lẫn phụ huynh đều vất vả cho bé đi học mỗi sáng. Ảnh:

Chị Khánh Huyền, mẹ bé 4 tuổi vất vả vác cậu con trai vào lớp vì bé cứ nằm lăn ra ăn vạ… đòi về. Chị cho biết: “ở nhà có ông bà nên cu cậu cứ đòi ở nhà chơi. Ông bà thương cháu cứ bảo để ở nhà, đi lớp sợ lây nhiễm, nhưng ở nhà suốt sợ ảnh hưởng tâm lí con vì không được tiếp xúc với bạn bè”.

Một phụ huynh khác có bé 2 tuổi cho biết chị đang lo về tình trạng chậm nói của con bởi bé mới chỉ nói được vài từ đơn cơ bản. Suốt mùa dịch ở nhà, các bé hầu như ít giao tiếp với xung quanh, chủ yếu xem tivi, ít tương tác cùng bạn bè, không được ra ngoài chạy nhảy vui chơi nhiều nên tình trạng chậm nói trở nên phổ biến.

Không chỉ khó khăn trong việc dỗ được con đến lớp, hành trình đến trường của nhiều trẻ cũng lắm gian nan bởi… các bạn thi nhau nghỉ vì f0 xuất hiện. “Chỉ cần lớp có một bé bị nhiễm, các bạn còn lại sẽ nghỉ học 1 tuần, tùy theo tình hình”, cô V. Anh, giáo viên một trường mầm non khác tại Q. Tân Bình chia sẻ.

z3304294496010_94eff9c11b56d50c98c98ea5d722cfda.jpg
Nhiều trường mầm non vắng vẻ vì trẻ chưa trở lại trường hoặc phải cách ly tại nhà.

Cô V.Anh cho biết dù nhà trường đã vệ sinh khử khuẩn cẩn thận, các bé sử dụng dụng cụ riêng khi ăn uống, vui chơi nhưng với những bé độ tuổi mầm non, việc lây nhiễm khi sinh hoạt cùng nhau là điều khó tránh. Chính vì vậy, khi một bé nhiễm bệnh, các bé còn lại đều phải dành thời gian ở nhà cách li theo dõi. Cha mẹ do đó cũng phải linh hoạt tìm người trông con, vất vả đủ bề.

Chị Minh Anh (Q. Tân Bình, TP. HCM) chia sẻ: “Trong dịch phải đem con về quê gửi ông bà. Bé mới đi học lại 2 hôm thì cô báo lớp có bạn nhiễm, vậy là lại phải để ở nhà, gửi nhờ cô hàng xóm trông hộ cho đi làm”. Cũng như chị, nhiều người chật vật theo hành trình đến lớp của con nhưng không còn cách nào khác. Nói như chị Minh Anh: “Đến trường giai đoạn này thì hồi hộp lắm nhưng cũng phải gửi con thôi!”.

Khơi gợi hứng thú đi học cho con

Các chuyên gia tâm lý nhận định, việc trẻ ở nhà lâu ngày dẫn đến những hậu quả ảnh hưởng tinh thần khá rõ rệt. Trẻ lớn có xu hướng nghiện game, học online thường dẫn đến tình trạng cha mẹ khó kiểm soát được các trang mạng trẻ truy cập.

Ít giao tiếp cùng cô và bạn khiến trẻ có thể chậm nói, nhút nhát. Chính vì vậy, việc để trẻ sớm đến trường là điều cần thiết. Tuy hành trình gian nan nhưng cha mẹ cần xác định tâm thế để có những chuẩn bị nhất định tốt nhất cho trẻ.

z3304293196695_bd329f671e81572213812edbb85e5300.jpg
Cha mẹ không nên quát mắng khi trẻ không chịu đến lớp, để khơi dậy hứng thú đến trường gặp bạn bè.

Cha mẹ cần động viên con và nhìn nhận theo hướng tích cực. Nếu trẻ mè nheo, không muốn đến lớp, hãy khuyến khích, động viên con bằng thái độ nhẹ nhàng đi kèm những lời khen ngợi, thưởng cho trẻ những phần thưởng nhỏ nếu trẻ có tín hiệu hợp tác.

Tuyệt đối không la hét, đánh mắng nếu trẻ không nghe lời vào thời điểm này, vì càng khiến trẻ thêm khó chịu và ghét đến trường trở lại. Cha mẹ có thể tự tạo những niềm vui nhỏ để trẻ hứng thú đến trường trở lại như: khơi gợi ở con niềm vui gặp lại bạn bè và cô giáo, chọn những trang phục đẹp mặc đến trường, mang đồ chơi đi khoe bạn….

Cha mẹ không nên than vãn trước mặt trẻ về hành trình đi học của con. Điều quan trọng, cần xác định tâm thế hành trình đi học của con giai đoạn mùa dịch sẽ có nhiều khó khăn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chật vật cho trẻ mầm non trở lại trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO