Thời gian gần đây, dư luận "nóng" lên với câu chuyện một doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội xin trả lại tuyến. Nguyên nhân chủ quan khiến khách hàng quay lưng với xe buýt bởi đa số là xe cũ, xuống cấp; nhà xe thiếu chuyên nghiệp, thiếu tiềm lực tài chính; nhân viên phục vụ chưa tốt, vẫn còn tệ nạn móc túi, quấy rối trên xe; điểm lên xuống chưa thuận tiện, thời gian giãn cách giữa các chuyến dài khiến khách hàng phải chờ đợi lâu, chưa tạo thuận lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật…
Không giải quyết được vấn đề xe buýt thì không giải được bài toán ùn tắc
Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại cuộc tọa đàm "Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 25/7.
Ông Dũng cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề vận tải xe buýt công cộng thì ách tắc vẫn hoàn ách tắc.
"Hiện chúng ta đang có metro, có tàu điện nhưng cái đó còn cần nhiều thời gian. Rồi tuyến này còn tuyến khác chưa kết nối với nhau, còn lâu dài lắm. Nếu chúng ta nhắm vào đấy thì còn ách tắc suốt đời. Giao thông công cộng bằng xe buýt cần được cải thiện, người dân đa số phải sẵn sàng chọn phương tiện giao thông công cộng là xe buýt.
Nếu chúng ta tiếp tục để hàng triệu người đi xe máy như thế này, rồi nếu người dân giàu có lên, sang trọng lên, đi ô tô nữa thì coi như là bế tắc luôn", ông Dũng bày tỏ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, phải tổ chức đấu thầu để chọn những doanh nghiệp có chất lượng, chứ không thể nào do quan hệ quen biết, thân thiết mà chọn theo cách chỉ định thầu.
Ông Dũng đưa ra câu hỏi về vấn đề trợ giá hay không trợ giá. Tại sao các địa phương không trợ giá, các doanh nghiệp không được trợ giá lại có thể cung cấp dịch vụ tốt và làm ăn được, trong khi đó các doanh nghiệp được trợ giá thì lại kêu lỗ?
Bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chỉ ra rằng thực tế hiện nay, chúng ta đang kêu gào, ép buộc việc dùng phương tiện công cộng… Câu chuyện phát triển xe buýt ở đô thị lớn nhiều năm nay vào ngõ cụt, từ buýt nhỏ, BRT đến đường trên cao...
"Ông quy hoạch làm "chết" vận tải xe buýt thì lại ít nói tới. Ùn tắc giao thông, tôi cho rằng trước khi đổ cho giao thông phải nhìn nhận do lỗi quy hoạch đô thị rồi mới đến giao thông. Đừng đổ tại xe buýt to làm tắc đường. Tôi đề nghị nghiêm túc xử lý quy hoạch đô thị rõ ràng, thậm chí phá bỏ những nhà cao tầng làm ách tắc giao thông, sau đó mới đến tổ chức giao thông", ông Thanh nêu quan điểm.
Không thể ép người dân phải đi phương tiện giao thông công cộng
Trước ý kiến phải thúc đẩy xã hội hóa dùng cơ chế thị trường để giải quyết vấn đề cung cấp dịch vụ vận tải xe buýt tốt hơn. Ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đưa ra quan điểm, muốn hạn chế được phương tiện cá nhân thì không thể ép người dân phải đi những phương tiện giao thông công cộng trong khi chất lượng, thái độ phục vụ kém…
"Mình bắt ép dân đi cái phương tiện cũ nát, nghèo nàn, không được đầu tư bài bản thì chắc chắn người dân sẽ nói ra những ý kiến không được hay. Nếu như muốn làm tốt một dịch vụ nào đó mà không đầu tư bài bản, không bỏ chi phí từ đầu mà bắt người dân phải sử dụng dịch vụ nhếch nhác, tuềnh toàng khi bước chân lên xe thì người dân chắc chắc quay lưng lại", ông Ánh cho hay.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu câu chuyện Sở GTVT TPHCM phát động phong trào công chức, viên chức đi làm bằng xe buýt cuối tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng "việc này không hay lắm".
"Nhu cầu đi lại để cho cá nhân người ta quyết định, trừ khi bố trí xe riêng thì không nói. Giờ cứ tung sản phẩm kém cỏi thì người ta sẽ từ chối bởi người ta có quyền lựa chọn", ông Thanh nói.
Ông Thanh nói rằng rất buồn về thực trạng hiện nay của xe buýt công cộng tại các đô thị lớn, đặc biệt là 2 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt sau đợt giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 và cơn bão giá xăng dầu vừa qua đã đẩy các doanh nghiệp vận tải xe buýt vào tình thế hết sức khó khăn.
"Hành khách thì quay lưng với xe buýt, nhiều người cảm thấy không còn thói quen đi xe buýt nữa bởi mất mấy tháng ít được ra ngoài, thậm chí cả năm trời không đi và họ đã dần quen đi xe cá nhân nên muốn phục hồi lại càng khó khăn hơn", ông Thanh nêu thực trạng.