Cô Lee Ha-kyung (29 tuổi), một nhân viên văn phòng ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, mới đặt mua vé máy bay tới Tây Ban Nha vào đầu tháng Bảy. Do giá vé máy bay thời gian gần đây đang tăng cao, cô Lee phải chi gần 2 triệu won mua vé máy bay khứ hồi. Số tiền này cao gần gấp đôi so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.
Hành khách có mặt ở Sân bay Quốc tế Incheon của Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap) |
Tuy nhiên, cô gái trẻ khẳng định bản thân không hề hối hận khi chi số tiền này.
“Xem đây là chuyến đi ra nước ngoài lần đầu tiên của tôi trong hơn 2 năm qua và khi dịch bệnh hoành hành, tôi không phải chi nhiều tiền do chỉ ở trong nhà nên chuyện chi tiền lần này là hợp lý. Ngoài ra, tôi còn đọc tin và biết rằng có khả năng dịch bệnh sẽ tái bùng phát vào mùa thu năm nay, đồng nghĩa với các biện pháp giãn cách xã hội lại được thi hành. Do đó, tôi nghĩ mùa hè này chính là cơ hội tuyệt vời để được đi ra nước ngoài”, Korea Times dẫn lời cô Lee.
Cô Lee là một trong số nhiều người dân Hàn Quốc đang đi theo xu hướng “chi tiêu trả thù” để bù đắp cho bản thân sau khoảng thời gian không thể đi du lịch và mua sắm trong lúc dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Trong hoàn cảnh hiện nay khi toàn bộ các biện pháp giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ, người dân Hàn Quốc nhanh chóng đổ xô tới các sân bay, các địa điểm du lịch trong nước, trung tâm thương mại, nhà hát để thỏa mãn cơn khát đi du lịch và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.
Theo số liệu của Tập đoàn Sân bay Quốc tế Incheon (IIAP), số lượng hành khách thực hiện các chuyến đi ra nước ngoài vào ngày 4/6 là 40.833. Đây là con số cao nhất kể từ ngày 3/3/2020.
Hoạt động đi lại của hành khách hàng ngày cũng được cho sẽ tăng cao trong kỳ nghỉ hè, do chính phủ Hàn Quốc gần đây thông báo xóa bỏ các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch bệnh đối với du khách trong nước.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc hôm 3/6 cho hay bắt đầu từ ngày 8/6, những du khách nước ngoài chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19 cũng sẽ không phải thực hiện quy định tự cách ly 7 ngày.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc thông báo các biện pháp đang được thi hành ở Sân bay Quốc tế Incheon nhằm kiểm soát số lượng các chuyến bay trong nước để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona vốn được thi hành gần 2 năm qua, cũng sẽ được gỡ bỏ vào ngày 8/6 để đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng dù giá vé cũng đang tăng nhanh chóng.
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, trong tháng Tư, tổng giá trị giao dịch mua sắm trực tuyến ở nước này là 1,65 nghìn tỉ won, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mua sắm online cho lĩnh vực du lịch và giao thông tăng 89,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định xu hướng “mua sắm trả thù” sẽ còn tiếp diễn ở Hàn Quốc cho tới cuối năm nay, nếu như dịch bệnh Covid-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
“Mọi người đã gần như phải ở trong nhà trong hơn 2 năm qua. Họ dường như vẫn có thể thỏa mãn đam mê mua sắm bằng hình thức mua trực tuyến, nhưng vẫn chưa đủ. Một số nghiên cứu cho thấy cảm giác được tiêu tiền trực tiếp khiến khách hàng cảm thấy vui vẻ hơn so với chuyện chỉ mua hàng”, Giáo sư Lee Eun-hee tại Đại học Inha cho hay.
Cũng theo bà Lee, “Để bù đắp cho khoảng thời gian hoặc cơ hội đã mất trong giai đoạn dịch bệnh, mọi người hiện sẵn sàng chi tiền để đi du lịch và tham gia các hoạt động giải trí như đi xem phim, tới viện bảo tàng, công viên nước, đó là những hoạt động mà họ từng làm trước khi dịch bệnh xuất hiện”.
Không chỉ ở Hàn Quốc, làn sóng "mua sắm trả thù" cũng đang diễn ra ở Thượng Hải, thành phố giàu nhất ở Trung Quốc, sau khi lệnh phong tỏa suốt 2 tháng được gỡ bỏ.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), khi các trung tâm thương mại mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 1/6, nhiều cửa hàng thời trang của các thương hiệu đắt đỏ như Prada, Dior và Louis Vuitton đều ghi nhận hình ảnh khách hàng đứng xếp hàng dài chờ tới lượt mua sắm.
Minh Thu (lược dịch)