Sáng 8/4, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị về thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Trao đổi với Dân trí bên lề hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh thanh tra Bộ Xây dựng - cho biết, Nghị định 16 được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao, để lại hậu quả lớn như việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; trật tự xây dựng; kinh doanh bất động sản; quản lý sử dụng nhà chung cư…
Tăng cao mức xử phạt, "tháo dỡ" sẽ thay bằng "phá dỡ"
Vì sao phải ban hành Nghị định 16 thay thế cho Nghị định 139/2017 sau khoảng 4 năm triển khai thực hiện, thưa ông?
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139 cuối năm 2017. Sau một thời gian thực hiện, Nghị định đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch…
Tuy nhiên nghị định này cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập sau một thời gian thực hiện. Một số lĩnh vực chế tài xử lý chưa phủ kín; chế tài xử lý một số hành vi vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe, mức xử phạt thấp…
Một yếu tố quan trọng khác, việc thay thế Nghị định 139 còn để đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, pháp luật chuyên ngành và thực tiễn.
Cụ thể như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Luật này có một số nội dung liên quan đến nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng như tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thay đổi mức xử phạt của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt, thuật ngữ "tháo dỡ" thay bằng "phá dỡ"…
Ngoài ra, hệ thống pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành xây dựng hầu hết đã và đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới.
Thực tế khi triển khai, thực hiện một số Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có Nghị định 139 về lĩnh vực đầu tư xây dựng, có phản ánh cho thấy còn tình trạng cách hiểu chưa thống nhất. Ngoài ra nhiều chế tài còn chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều vi phạm trở nên nhức nhối, thưa ông?
- Một số quy định tại Nghị định 139 còn chưa cụ thể, dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng thiếu thống nhất ở các địa phương, làm giảm hiệu quả áp dụng, tính khả thi của quy định pháp luật.
Ví dụ, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt; chưa có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; thời gian cho phép xin cấp và điều chỉnh giấy phép chưa phù hợp với từng loại công trình; chưa điều chỉnh xử lý hành vi vi phạm sau khi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm…
Một số lĩnh vực chế tài xử lý chưa phủ kín; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp.
Tăng tiền phạt với nhiều hành vi vi phạm kinh doanh bất động sản, trật tự xây dựng…
Vậy những nội dung gì mới, đáng chú ý liên quan tới lĩnh vực xây dựng, bất động sản tại Nghị định 16 thưa ông?
- Nghị định 16 được sửa theo hướng tăng mức phạt tiền, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao, để lại hậu quả lớn như lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; trật tự xây dựng; kinh doanh bất động sản; quản lý sử dụng nhà chung cư.
Vi phạm trong trật tự xây dựng sẽ xử phạt kịch khung 1 tỷ đồng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, bổ sung hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục vi phạm.
Bổ sung quy định chế tài xử phạt đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép nhà ở nông thôn nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế và tiến tới chấm dứt đối với việc đầu tư xây dựng tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, diễn biến phức tạp...
Như ông có đề cập, Nghị định sẽ theo hướng tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đây là một trong những nội dung được nhiều người quan tâm tại Nghị định này trong bối cảnh thị trường vừa qua có những phát triển khá "nóng", nhiều vi phạm diễn ra. Ông có thể chia sẻ rõ hơn?
- Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Nghị định đã tăng mức phạt kịch khung 1 tỷ đồng với nhiều hành vi để đảm bảo tính răn đe.
Cụ thể mức phạt này sẽ áp dụng với một số hành vi vi phạm của chủ đầu tư liên quan việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án vi phạm trình tự thủ tục quy định; huy động vốn không đúng quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ trong dự án đã được phê duyệt hoặc đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa đảm bảo kết nối với hạ tầng chung của khu vực...
Ngoài ra, có một số hành vi tăng mức phạt lên đến 600 triệu đồng như kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định; thu tiền của bên mua, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng tiến độ thực hiện dự án hoặc thu vượt tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định.
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc hoàn trả kinh phí.
Cá nhân, tổ chức vi phạm cũng buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy định hoặc cam kết… khắc phục, xử lý triệt để hậu quả của các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, nhiều hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư cũng được cơ quan soạn thảo đề xuất để xử lý triệt để như việc "om" quỹ bảo trì.
Cụ thể, Nghị định số 16 bổ sung 23/26 hành vi vi phạm còn thiếu và tăng mức xử phạt hiện đang áp dụng còn thấp đối với 3/26 hành vi vi phạm về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư với mức xử phạt "kịch khung" là 300 triệu đồng/hành vi.
Tôi tin rằng nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở… sẽ được xử lý nghiêm minh, chặt chẽ và có tính răn đe.
Xin cám ơn ông!