Từ tháng 11 kéo sang tháng 12 năm nay, trend trà chanh giã tay len lỏi trên khắp các tuyến phố từ Hà Nội cho tới TP.HCM. Không khó để bắt gặp cảnh người dân xếp hàng dài trước các cửa hàng để mua được những ly trà chanh giã tay với giá 35.000-50.000 đồng.
Một chủ cửa hàng tiết lộ, chỉ vài giờ mở bán, họ đã đón 300 thực khách đến thưởng thức ly trà chanh giã tay hot trend này.
Quả chanh Quảng Đông (Trung Quốc) – nguyên liệu chính để làm trà chanh giã tay – có kích thước lớn, hình bầu dục, nhọn ở 2 đầu, vỏ dày, màu xanh đậm với hương thơm đặc trưng thoang thoảng mùi sả và bưởi bỗng nhiên sốt giá theo.
Từ mức giá bình dân, loại chanh này của Trung Quốc vọt lên mức 80.000-100.000 đồng/kg, đắt gấp khoảng 3 lần giá chanh Việt Nam. Ở chợ đầu mối, hàng chục tấn chanh Quảng Đông được tiêu thụ mỗi đêm.
Hiện, giá chanh Quảng Đông đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức 50.000-60.000 đồng/kg.
Cùng thời điểm với cơn sốt chanh Quảng Đông, cam sành “ngọt nước” giá bán bằng cốc trà đá đang là nỗi buồn của người nông dân miền Tây.
Tại tỉnh Vĩnh Long - thủ phủ cam sành lớn nhất ĐBSCL, giá cam sành trong những ngày qua chạm đáy. Những hộ nông dân trồng cam sành có liên kết bán được giá 4.000-5.000 đồng/kg, còn những hộ trồng bên ngoài có lúc bán giá 1.000-2.000 đồng/kg.
Với người nông dân, trồng cây chỉ mong ngày hái quả. Song, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh nông dân để cam sành rụng đầy vườn. Bởi, tiền bán cam không đủ để trả tiền thuê nhân công thu hái.
Tại TP.HCM, một số bạn trẻ tận dụng mạng xã hội tạo sự lan tỏa, giúp bà con nông dân bán cam sành Vĩnh Long thoát cảnh ế ẩm. Giá cam sành “giải cứu” chỉ 6.000 đồng/kg.
Nhiều nhà sáng tạo nội dung cũng làm các video ngắn kêu gọi giải cứu cam sành miền Tây với thông điệp “Cam sành 6.000 tươi ngon mọng nước không mua, chanh Quảng Đông 60.000 không nước lại mua ùn ùn” hay “Quên trà chanh giã tay đi, cam sành đang kêu cứu”… Cùng với đó, họ chia sẻ công thức làm các loại thức uống ngon từ trái cam sành hy vọng tạo ra trend mới để đẩy giá cam tăng lên.
Thực tế, câu chuyện “giải cứu” nông sản đã khá quen thuộc với người Việt. Với cam sành miền Tây, giải cứu thành điệp khúc.
Đầu năm nay, hoạt động “giải cứu” cam sành được tổ chức rầm rộ. Các cá nhân, siêu thị, sàn thương mại điện tử đồng loạt tham gia bán “cam giải cứu” giúp người nông dân thoát cảnh đổ bỏ.
Với nhiều người, "giải cứu” nông sản là hành động nhân văn. Nhưng khi thị trường được điều chỉnh bằng "con tim" sẽ không có thị trường trọn vẹn. Một doanh nhân trong ngành hàng trái cây từng nói, nông sản làm ra không phải để giải cứu. Một nền nông nghiệp phát triển bền vững không thể dựa vào “giải cứu” và lòng trắc ẩn của người tiêu dùng.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều đề cập tới chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bởi, đã qua thời chạy đua sản lượng, không thể cứ trồng theo kiểu tự phát, dư thừa rồi lại “giải cứu”. Nay phải chú trọng chất lượng, quy trình trồng, làm thương hiệu... để tăng giá trị sản phẩm. Bà con nông dân đừng chỉ bán cái mình có mà phải bán cái thị trường cần.
Quả chanh khác với quả cam. Thế nhưng, từ câu chuyện quả chanh Quảng Đông sốt giá khi trà chanh giã tay thành hot trend, chúng ta có thể suy nghĩ về con đường mới cho quả cam sành miền Tây. Thay vì trồng cây thu trái bán ăn tươi theo cách truyền thống, quả cam có thể làm nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn, thức uống như: kem cam, mứt cam, cam sấy, kẹo cam, trà cam xí muội, trà cam quế hồng đài…; lá, cành và vỏ cam tận dụng làm nhiều sản phẩm khác nhau.
Thậm chí, người nông dân có thể bán cả câu chuyện về quá trình sản xuất quả cam gắn với văn hóa vùng đất đó.
Như trái thanh long thành nguyên liệu làm rượu vang, bánh mì, kem… và mới đây nhất mì tôm thanh long cũng là món ăn hot trend khiến nhà sản xuất “cháy hàng”.
Khi chuỗi giá trị được kéo dài, áp lực bán ăn tươi không còn, thảm cảnh “được mùa rớt giá” sẽ không tái diễn với quả cam cũng như với các loại nông sản khác.