Chiều 3/10, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 TPHCM có buổi tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11 trước thềm kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tổ đại biểu có sự tham dự của ông Lê Minh Trí, Chánh án TAND Tối cao; ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM; bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đây là lần đầu tiên ông Lê Minh Trí tham dự một buổi tiếp xúc cử tri trên cương vị mới là Chánh án TAND tối cao.
Tại buổi làm việc, các cử tri đại diện cho người dân 3 quận tại TPHCM đã gửi gắm nhiều câu hỏi cho đại biểu liên quan các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và nhiều vấn đề nóng trong xã hội. Trong đó, vụ án Vạn Thịnh Phát đang được xét xử giai đoạn 2 nhận nhiều sự quan tâm đặc biệt.
Cử tri Đặng Văn Rành (phường 1, quận 11) đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết thỏa đáng vấn đề liên quan đến trái phiếu của Vạn Thịnh Phát. Điều này nhằm giảm bớt khó khăn cho một bộ phận người dân.
"Ngân hàng SCB đã thực hiện giới thiệu, tư vấn, bán trái phiếu do các công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phát hành. Trong đó có phần lớn tiền tiết kiệm của người lớn tuổi, người hưu trí chuyển sang", cử tri Đặng Văn Rành nêu ý kiến.
Ngoài ra, cử tri các quận cũng đặt vấn đề cần xử lý nghiêm hành vi đưa và nhận hối lộ. Việc này nhằm giảm bớt những vấn đề tiêu cực trên các lĩnh vực.
Trả lời ý kiến người dân, đại biểu Lê Minh Trí, Chánh án TAND Tối cao, khẳng định, đối với vụ án Vạn Thịnh Phát, các cơ quan tố tụng từ Trung ương đến địa phương đang cố gắng hết sức trong việc giải quyết các vấn đề liên quan vật chứng. Tuy nhiên, mọi việc cần làm thận trọng, chặt chẽ, tránh phát sinh hệ lụy không mong muốn.
"Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 đang được TAND TPHCM thụ lý xét xử, có trên 35.000 người bị hại và 500 người liên quan. Với khối lượng tài sản rất lớn liên quan vụ án, mọi việc cần làm thận trọng, tránh để trở thành vụ án khác", ông Lê Minh Trí bày tỏ..
Chánh án TAND Tối cao TPHCM cũng khẳng định, tội đưa, nhận hối lộ là một trong những tội phạm tham nhũng, có khung hình phạt nghiêm khắc. Trong thực tế, các tội phạm đã và đang bị xử lý nghiêm minh.
"Tuy nhiên, cần hiểu 2 yếu tố của pháp luật là xử lý nghiêm nhưng phải xem xét tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Người có tình tiết tăng nặng sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc hơn. Người có tình tiết giảm nhẹ như có công lao, hợp tác, khắc phục tốt, quá trình công tác có nhiều thành tích và thuộc diện chính sách theo luật định cũng cần được xét tới", ông Lê Minh Trí phân tích.