Chàng trai này cũng đã kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức giúp đỡ hàng ngàn trẻ em cả trong nước và ở châu Phi có cơ hội tiếp cận với giáo dục.
"Cõng" chữ cho em
Cứ đều đặn vào 6h tối từ thứ 2 đến thứ 6 đường số 18, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP. HCM lại rộn ràng tiếng lũ trẻ đánh vần học chữ từ lớp học tình thương đặc biệt của của chàng trai trẻ Ninh Việt Trí. Học sinh ở lớp học của anh Trí đa phần là con em của các gia đình cơ nhỡ theo cha mẹ lên TP HCM làm ăn. Ban ngày lặn lội mưu sinh với đủ nghề chỉ lúc đêm về các em mới có thể đến đây, học tập, kiếm chút chữ nghĩa lận lưng.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô học trò nhỏ Cẩm Tiên (11 tuổi, trường tiểu học Đỗ Tấn Phong) phải theo cha mẹ lên thành phố kiếm kế sinh nhai. Buổi sáng đi làm, chiều về đến trường, buổi tối lại chăm chỉ tới lớp học tình thương với mong muốn được học, được biết nhiều hơn.
Dẫu cuộc sống có đôi phần vất vả, nhưng cách nói chuyện của cô trò nhỏ chẳng thiếu đi sự lạc quan và vui vẻ, em kể: “Buổi sáng em đi làm ở quán nhậu đến 11 giờ thì về ăn trưa để buổi chiều còn đi học. Buổi tối em đến lớp này để học thêm. Đi học vui, ở nhà buồn với chán lắm. Tới đây ngày nào em cũng được làm bài tập, được chơi với các bạn. Em sẽ cố gắng học thật tốt”.
Không có giấy khai sinh, Thảo Ngân (9 tuổi) chẳng thể đi học ở trường, cha mẹ gửi em ở lớp học tình thương để em được đi học, được biết đến cái chữ. “Em học được vài tháng rồi, tại vì cha làm mất giấy khai sinh nên em không đi học ở trường được. Nhưng mà học ở đây cũng vui, em thích đi học lắm”, cô trò nhỏ thỏ thẻ.
Mỗi em mỗi phận nhưng điểm chung của chúng là đều có cuộc sống khó khăn, long đong, lận đận theo gia đình mưu sinh ở nơi xứ người. Thương những đứa trẻ đang trong tuổi ăn, tuổi lớn mà hàng ngày phải đối mặt với vấn đề cơm áo gạo tiền, là động lực anh Ninh Việt Trí tiếp tục hành trình gieo con chữ cho trẻ em nghèo.
“Mình không dám hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn con người của các em, cũng không hứa sẽ giúp các em trở nên thật giỏi. Mình chỉ làm hết sức của bản thân thôi. Mình trang bị cho các em những điều cơ bản nhất, cho các em biết được con chữ, dạy các em học về đạo đức xã hội, biết cách ứng xử, lễ phép với người lớn, mong muốn lớn nhất của mình là để sau này các em không thành công cũng thành nhân”, anh Trí tâm sự.
Hành động nhỏ, tình yêu lớn.
Vốn yêu thích các công việc thiện nguyện, hoạt động xã hội, với hy vọng sau khi rời khỏi giảng đường đại học vẫn có thể thực hiện các công việc giúp ích cho cộng đồng, địa bàn xung quanh nơi mình sinh sống, lớp học tình thương tại đường số 18 được Ninh Việt Trí mở ra ngay khi còn là sinh viên. Khi lớp học đi vào ổn định, Trí nghĩ đến việc hỗ trợ thêm cho các lớp học tình thương khác trên địa bàn.
Ngoài trực tiếp tham gia giảng dạy, anh Trí còn kêu gọi hỗ trợ nguồn lực nhân sự từ các bạn sinh viên, kết nối với các cá nhân, tập thể để hỗ trợ vật chất cho nhiều lớp học tình thương khác như: lớp học tình thương ở Suối Tiên, lớp học tình thương trong Làng Đại học, lớp học ở bệnh viện Ung Bướu,...
“Mình đến xem họ thiếu gì, cần gì rồi sẽ tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình. Thiếu nhân lực dạy học thì mình sẽ vận động các bạn sinh viên đến hỗ trợ. Nếu lớp học thiếu vật chất, thiếu mặt bằng thì mình cố gắng tìm kiếm, liên hệ với các cá nhân, tổ chức để giúp đỡ. Hoặc mình sẽ hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các em”, Việt Trí chia sẻ.
Anh Trí cũng cho biết thêm, việc dạy học cho các em ở lớp học tình thương cũng gặp nhiều khó khăn. “Các em ra đời bươn chải từ sớm nên có tính cách mạnh mẽ, năng động hơn nhiều. Đôi khi sẽ không nghe lời. Mỗi em có trình độ khác nhau nên không thể dạy theo một chương trình chung. Thông thường, mình và các bạn tình nguyện viên sẽ dạy học theo cách kèm 1-1. Bên cạnh đó, các lớp học lại có một vấn đề riêng, ví dụ như lớp học ở đường số 18 đang thiếu nhân lực phụ trách giảng dạy chính hay lớp học ở Suối Tiên đối mặt với vấn đề về phần ăn cho học sinh, lương thưởng cho giáo viên,....".
Dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng Việt Trí cũng tìm thấy những niềm vui nho nhỏ, đủ để tiếp thêm cho anh động lực trên con đường gieo chữ cho những mầm xanh còn thiếu thốn. Nhớ lại những kỷ niệm đẹp của mình với các em nhỏ trong lớp học tình thương, anh Trí không khỏi mỉm cười:
“Mình có một bạn học trò rất hiếu động, có lần em bị té và không thể đến lớp được. Trong thời gian đó, mình có gọi điện hỏi thăm và được nghe em nói là muốn được đi học trở lại. Em cũng chủ động gửi bài tập cho mình kiểm tra. Lần khác, một bạn nhỏ sau một thời gian nghỉ học, về quê thì em trở lại lớp để tiếp tục học với mình. Thật sự mình rất vui vì có thể đồng hành cùng các em”.
Không chỉ hỗ trợ cho các em nhỏ trong nước, Ninh Việt Trí còn kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức giúp đỡ cho các lớp học tình thương ở châu Phi. Từ mong muốn được học hỏi, giao lưu nhằm tiếp thu kinh nghiệm tổ chức hoạt động xã hội của nhiều nơi trên thế giới, Trí có cơ duyên được gặp gỡ một người đàn ông đang quản lý mái ấm dành cho trẻ em cơ nhỡ tại Kenya. Qua đây, anh cũng ngỏ lời giúp đỡ mái ấm trong điều kiện có thể của mình.
Ngoài nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, Việt Trí còn hỗ trợ về mặt tinh thần cho các mái ấm ở Châu Phi. Từ việc kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vào lễ, tết hay các dịp đặc biệt, anh gửi tặng các em nhỏ tranh, chữ thư pháp với hi vọng mang lại niềm vui, cầu mong hạnh phúc và những điều may mắn. “Mới đây, họ tổ chức đá bóng gây quỹ cho các em nhỏ, mình nhận trách nhiệm viết chữ thư pháp cho tên các cầu thủ để công chiếu lúc giới thiệu”, Việt Trí nhớ lại.
Trên tinh thần mỗi người có một cách giúp đỡ khác nhau, Ninh Việt Trí cho rằng, giá trị đích thực của sự cho đi không nằm ở giá trị của món quà lớn hay nhỏ mà nằm ở tấm lòng người cho đi. “Mỗi ngày, chúng ta mang một cốc nước nhỏ tưới cho cây cối xung quanh để nó trở nên lớn mạnh và sáng lạng hơn, chứ không cần lâu lâu mang một thùng nước lớn đổ ào một cái rồi lại biến mất”, anh bày tỏ.
Việc viết, tặng chữ thư pháp không chỉ là một sở thích cá nhân, mà còn là một cách để gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, những giá trị văn hóa của Việt Nam đến với những người bạn xa xôi. Việt Trí tin rằng, qua những bức tranh, những câu chữ thư pháp, các em nhỏ ở châu Phi sẽ có thêm động lực để học tập, để sống tốt hơn cũng như có thêm sự hiểu biết và yêu mến đối với Việt Nam. Đây cũng là một cách để anh thể hiện tình yêu quê hương và lòng biết ơn đối với cuộc sống.