47 năm lưu lạc và cuộc đoàn tụ chớp nhoáng
Một tối cuối tháng 9, Đỗ Hồng Phúc cầm trên tay xấp hồ sơ gồm những tấm hình và địa chỉ của bà Cao Thu Thủy, mẹ ông Ton - Ogi Robbins (52 tuổi ở California, Mỹ) để bắt đầu cuộc tìm kiếm.
Người đàn ông Mỹ xa mẹ đã 47 năm gửi anh Phúc 4 địa chỉ ở quận 1 và quận 3 mà người mẹ ruột đã dùng để gửi thư cho ông trước khi hai mẹ con mất liên lạc.
Thấy thông tin khá rõ ràng, Phúc chạy thẳng từ nhà ở Gò Vấp sang quận 1 ngay khi hết giờ làm. Khi Phúc đến, có nơi đã giải tỏa xây đường mới, có nơi vẫn còn địa chỉ cũ nhưng hỏi người dân xung quanh thì không ai biết về tung tích bà Cao Thu Thủy.
Hết cách, Phúc bắt đầu nhờ bạn bè đăng thông tin tìm kiếm lên mạng xã hội. Nhờ sự chia sẻ nhanh chóng, sau 2 tiếng, người em trai cùng cha khác mẹ của ông Ton chủ động liên hệ nhận anh trai.
"Ngày càng có nhiều cuộc đoàn tụ chớp nhoáng như vậy, tất cả là nhờ sự lan tỏa của cộng đồng mạng", Phúc nói.
Tuy vậy, kinh nghiệm chỉ cho Phúc rằng, không phải hoàn cảnh nào cũng có thể đăng lên Facebook để tìm. Nhiều bà mẹ sau khi cho con xong muốn giấu đi quá khứ. Việc đăng tin công khai như vậy có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của những người trong cuộc.
Vì thế, 3 năm qua, chàng kiến trúc sư luôn tự đi tìm theo thông tin mà những người con cung cấp. Không chỉ ở Sài Gòn, Phúc còn chạy xe máy đến Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu… trực tiếp tìm người.
"Tôi đã giúp hơn 30 gia đình đoàn tụ. Tất cả các hoạt động hoàn toàn miễn phí", Phúc chia sẻ.
Ý nghĩa việc chứng kiến giọt nước mắt ngày đoàn tụ
Phúc đến với việc làm không công này bắt đầu từ năm 2019. Khi đó, bà ngoại của anh ở Đồng Tháp bỗng dưng bỏ đi, cắt đứt liên lạc với gia đình. Từng đi tìm bà nhưng không có kết quả, chàng trai cảm nhận được nỗi đau cách xa người thân. Cũng năm đó, Phúc tình cờ thấy một cô gái Pháp đăng tin tìm mẹ ở TPHCM nên chủ động liên hệ, ngỏ ý tự nguyện hỗ trợ cô. Dò hỏi theo những thông tin được cung cấp, Phúc giúp cô gái người Pháp gốc Việt đoàn tụ với gia đình.
Cuộc điện thoại đầu tiên giữa hai mẹ con tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng ai cũng xúc động.
"Tôi thấy được giọt nước mắt hạnh phúc của họ và nghĩ việc mình làm có nhiều ý nghĩa", Phúc chia sẻ lý do khiến anh tiếp tục tìm kiếm người thân cho nhiều gia đình khác.
Vậy là chàng trai chủ động chia sẻ ý định hỗ trợ tìm người thân lên Facebook. Sau khi giúp một vài gia đình đoàn tụ thành công, anh được những người con gốc Việt ở nước ngoài chủ động tìm đến. Hầu hết, họ là những đứa trẻ được cho làm con nuôi sang Pháp từ những năm 1990.
Một số người con Việt thất lạc gia đình từ những năm 1975 cũng tìm đến anh, song việc tìm kiếm khá khó khăn. Phần vì địa chỉ cung cấp giờ đã thay đổi rất nhiều, người được tìm và những người liên quan đã già hoặc có thể đã mất nên chàng trai sợ mình không đủ khả năng tìm kiếm.
Ban đầu, cứ mỗi người nhắn tin đến nhờ giúp đỡ, Phúc có thời gian hỏi thăm hoàn cảnh, cuộc sống hiện tại để hiểu hơn về họ. Sau này vì số lượng người tìm đến quá nhiều, Phúc không còn thời gian chia sẻ. Thay vào đó, anh tập trung lọc hồ sơ. Chàng trai gom 2 -3 hoàn cảnh trong một khu vực quận, huyện để tiện di chuyển. Có hôm, anh kết nối được hai gia đình trong 3 trường hợp đi tìm.
3-5 bộ hồ sơ nhờ tìm người thân mỗi tháng
Hầu hết các trường hợp nhờ anh giúp đỡ Phúc đều chủ động tự đi. Để đoạn đường ngắn lại, chàng trai thường rủ thêm bạn bè đồng hành.
Tháng 2/2021, Phúc nhận lời tìm gia đình cho một cô gái Pháp có tên tiếng Việt là Hà. Tận dụng thời gian rảnh sau một ngày làm việc, Phúc chạy xe hàng chục km từ nhà đến xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hỏi thông tin. Khu vực này có khá nhiều người mẹ đã cho con, dù được người dân nhiệt tình dẫn đến 1 vài gia đình nhưng anh vẫn chưa tìm ra.
Phải đến lần thứ 4 quay lại, anh mới tìm được gia đình của Hà. Tiếc rằng mẹ của cô đã mất. Vì những thông tin do bố Hà cung cấp rất ít nên 2 bên quyết định thử ADN. Sau 2 tháng, gia đình Hà chính thức đoàn tụ.
"Sở dĩ tôi không bỏ cuộc là vì địa chỉ ghi khá rõ ràng, chỉ cần kiên trì đi hỏi sẽ có kết quả", Phúc chia sẻ.
Trên hành trình tìm kiếm những người xa lạ, ngoài sự nỗ lực, không bỏ cuộc của bản thân thì không ít lần Phúc gặp may mắn. Giữa tháng 11/2020, Phúc đến đường Cô Giang, quận 1 để tìm mẹ của cô gái Kim Mai, đang ở Pháp.
Đến nơi, chung cư trong hồ sơ Mai cung cấp đã được giải tỏa. Không còn chút manh mối, Phúc hỏi thăm một bà cụ đang làm việc bên đường. Thật may mắn, bà cụ chính là dì ruột của Kim Mai. Người đã từng chăm sóc và cùng mẹ Mai ẵm cô đi cho 22 năm về trước.
Một lần khác, khi về Đồng Nai tìm gia đình cho Noemie, cô gái Pháp cung cấp cho Phúc 2 địa chỉ, không có số nhà. Chàng trai phải tự khoanh vùng và hỏi thăm. Đã có lúc anh định bỏ cuộc vì cứ mỗi lần hỏi lại được nghe 1 câu chuyện khác nhau.
Lúc nản nhất thì Phúc tình cờ gặp được một thầy giáo, thầy dẫn Phúc đến gặp trưởng ấp và người này biết gia đình của Noemie. Vậy là sau 26 năm xa cách, gia đình họ đã đoàn tụ.
Trung bình mỗi tháng Phúc nhận được khoảng 3-5 bộ hồ sơ nhờ tìm người thân ở Việt Nam. Nếu hồ sơ có đầy đủ thông tin như hộ khẩu, hình ảnh, giấy khai sinh có tên và địa chỉ cha mẹ ruột, Phúc nhận định là có khả năng tìm được cao hơn. Ngược lại, nhiều hồ sơ chỉ có tên quận, huyện, địa chỉ trại trẻ mồ côi từng sống... thì thường rất khó tìm kiếm.
"Khổ lắm người ta mới phải cho con"
Biết đến Phúc qua lời giới thiệu của bạn bè, Emma Kiener, 26 tuổi, ở Pháp chủ động nhắn tin nhờ tìm mẹ ở TPHCM từ tháng 3/2022. Phúc cũng đã lần theo địa chỉ 103, thị trấn Thủ Đức (cũ) tìm thử nhưng khu vực này hiện được chia thành 3 phường nên việc tìm kiếm bị ngắt quãng. Đến tháng 5, Phúc bắt đầu nhờ các trang mạng xã hội đăng tin giúp song vẫn chưa hiệu quả. Sau đó, Emma cùng ba mẹ nuôi về Sài Gòn.
Cô gái lần đầu đến Việt Nam được Phúc đón ở sân bay và hỗ trợ thêm trong việc đăng tin tìm mẹ.
"Chỉ sau một ngày đăng bài, tôi đã được nói chuyện với chị gái của mình. Nhờ anh Phúc và cộng đồng mạng ở Việt Nam nên tôi mới có thể tìm gia đình mình nhanh như thế", Emma chia sẻ.
Những sáng cuối tuần, thay vì tốn tiền đi uống cà phê thì anh dành để đổ xăng đi tìm người thân cho những người xa lạ.
Nhiều người từng nghĩ Phúc được trả thù lao hậu hĩnh sau những lần giúp đỡ. Thực tế, một số người cũng ngỏ ý gửi lại anh tiền xăng nhưng Phúc đều từ chối. Anh chưa nhận tiền của ai bao giờ.
"Ngày xưa người ta khổ lắm mới cho con và giờ cũng vậy, cuộc sống không mấy khá giả. Tôi không thể nhận tiền của họ trong khi đây là việc tôi tự nguyện làm", Phúc chia sẻ.
Chính vì thế, chàng trai không mong nhận được sự đền ơn của bất kỳ ai. Với anh, khoảnh khắc vui mừng đến nổi da gà khi một ai đó nói rằng họ biết người anh đang tìm và chứng kiến cuộc gọi đầu tiên giữa những thành viên trong gia đình cách nửa vòng trái đất. Niềm vui đó, với anh, "không gì mua nổi".
Điều Phúc mong muốn nhất là nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Với kho dữ liệu khổng lồ đã tích lũy những năm qua, anh hy vọng sẽ biết được thêm nhiều manh mối trong những chuyến tìm kiếm tiếp theo của mình, để niềm vui đoàn tụ có thể đến nhanh hơn với nhiều gia đình.