Đã một tuần trôi qua kể từ khi những môn thi đầu tiên khởi tranh tại Paris trong khuôn khổ Olympic mùa hè 2024. Nhưng khi tôi tìm kiếm thông tin về kỳ thế vận hội này bằng cách search từ khóa Olympic thì câu chuyện áp đảo không phải là những thành tích thể thao, không phải những kỷ lục, không phải những chân dung vận động viên… Mà là những tựa đề đàm tiếu về lễ khai mạc.
Những lời khen bốc trời, và những chê bai thậm tệ. Ma chê cưới trách, bất cứ sự kiện nào, dù lớn dù nhỏ đều khó lòng tránh khỏi sự khen chê đàm tiếu. Điều đó cũng bình thường vì trong một cộng đồng nhỏ còn có những khác biệt, huống hồ một sự kiện tầm cỡ thế giới.
Có món ăn với người này là ngon, người khác thấy kinh tởm. Có những tác phẩm với người này là sáng tạo nghệ thuật, với người khác là sự khiếm nhã.
Thế giới dường như càng phẳng càng dễ lộ ra sự khác biệt, đòi hỏi nhiều hơn sự bao dung, và tôn trọng. Lý thuyết là thế, nhưng con người mãi mãi là một sinh vật có đặc tính vị kỷ, luôn đòi hỏi sự bao dung và tôn trọng chỉ vì nó quá khó đối với bản thân.
Bởi thế, màn khai mạc gây tranh cãi mà người Pháp thể hiện, dù đáng khen hay đáng chê về mặt nghệ thuật thì cũng đã khiến cho kỳ Olympic này thất bại dù chưa kết thúc. Vì nó tạo ra sự chia rẽ, điều hoàn toàn ngược lại với ý nghĩa của các kỳ thế vận hội. Ý nghĩa của lá cờ Olympic là Bình đẳng, thống nhất, hợp tác, và hòa bình. Nhưng màn trình diễn khai mạc lại cho thấy sự vị kỷ của người Pháp, khi áp đặt cả nhân loại phải hiểu và tôn trọng các ẩn ý thông điệp của họ. Cho dù các thông điệp đó đi ngược với giá trị mà nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn đang nỗ lực bảo vệ và duy trì.
Có những hoạt cảnh trong lễ khai mạc, theo tôi là khá mất vệ sinh. Có những phân cảnh khiến tôi xúc động và choáng ngợp. Nhưng cho dù cảm nhận cá nhân của tôi thế nào, điều đó không quan trọng. Tôi chỉ thấy buồn, và thấy mất mát khi không còn gặp vẻ đẹp đích thực của Olympic, như một sự kiện để hàn gắn những bất đồng của nhân loại bằng sự mã thượng của thể thao.