Ngày 25/4/2009, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Lễ công bố Quyết định và bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện đảo Hoàng Sa được thành lập và trực thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (cũ). Tháng 11/1996, tách Đà Nẵng và Quảng Nam; huyện đảo Hoàng Sa thuộc TP. Đà Nẵng, trụ sở tại số 132, đường Yên Bái, quận Hải Châu.
Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. |
Tại cuộc họp mặt ngày 20/4/2009 giữa chính quyền và công dân huyện đảo Trường Sa, những người từng sống và làm việc ở Hoàng Sa trước năm 1974, ông Đặng Công Ngữ tha thiết kêu gọi các nhân chứng hãy cung cấp những hiện vật, tài liệu, cứ liệu về Hoàng Sa. Đặc biệt, xin các nhân chứng giới thiệu bản thân và những người khác còn sống, từng công tác trên quần đảo Hoàng Sa. Sau lời kêu gọi, chính quyền quần đảo Hoàng Sa được biết ngay ông Nguyễn Như là viên chức Đài khí tượng Hoàng Sa từ năm 1968 - 1970. Và mọi người bất ngờ, choáng ngợp trước khối sách báo, thư tịch liên quan tới Hoàng Sa, mà nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương (thành phố Đà Nẵng) âm thầm, sưu tập, dịch thuật, biên khảo từ hơn 10 năm nay.
Cuốn sách mang tính khảo cứu văn hoá - lịch sử về Hoàng Sa của ông dày gần 500 trang được chính quyền Đà Nẵng và các cơ quan chức năng đánh giá rất cao, đã xuất bản, tới tay bạn đọc. Cuốn sách gồm 17 chương; tác giả phân chia hợp lý từng nội dung thông tin, liên quan đến Hoàng Sa. Chương 4, giới thiệu di tích và bất động sản ở đây; viết chi tiết, chú dẫn cẩn thận về hơn 20 di tích của người Việt Nam tại Hoàng Sa. Đáng lưu ý hơn nữa là, cuốn sách có 20 bản đồ cổ, lấy từ các sách của những nước phương Tây, Trung Quốc và các triều đại phong kiến Việt Nam, thể hiện, minh chứng rõ ràng về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương còn dành thời gian dịch thuật 26 cuốn tài liệu bằng tiếng Pháp viết về Hoàng Sa, trong đó có cuốn “Bí mật của san hô vòng ở quần đảo Hoàng Sa”, của Clacys, viết năm 1944. Tác giả khẳng định, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của xứ Đàng trong, Việt Nam. Ngoài ra còn có các tác phẩm: “Góp phần nghiên cứu quần đảo Hoàng Sa” (Clergert - 1932); “Ghi chép về quần đảo Hoàng Sa” (Esaurin - 1955); “Quần đảo Hoàng Sa theo thư tịch cổ về lịch sử và địa lý (Võ Tòng Lê, viết bằng tiếng Pháp - 1974). Tất cả những cuốn tư liệu trên, dù viết về lĩnh vực nghiên cứu khác nhau nhưng đều nêu rõ nguồn gốc, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Mới đây nhất, tư liệu quý về Hoàng Sa sau 175 năm, đã “sống lại”. Sáng ngày 9/4/2009, tại thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, con cháu tộc họ Đặng đã tề tựu đông đủ để tổ chức giỗ dòng tộc và hiến tặng tư liệu quý của dòng họ cho Nhà nước. Đó là một tờ lệnh điều động binh phu ra bảo vệ quần đảo Hoàng Sa từ thời vua Minh Mạng. Trong số những binh phu được điều động ra Hoàng Sa ngày ấy, có ông Đặng Văn Siểm, người của dòng họ Đặng ở Đồng Hộ.
“Tờ lệnh” này được cất giữ cẩn thận trong một chiếc tráp làm bằng gỗ quý. Cứ 20 năm mới mở tráp một lần cho con cháu xem - đó là các năm: 1939, 1959, 1979, 1999... Suốt 175, năm qua bao thăng trầm của lịch sử và khí hậu vùng biển, nhưng 6 đời dòng họ Đặng vẫn giữ nguyên vẹn tài liệu. “Tờ lệnh” viết bằng chữ Hán, do quan án sát và quan bố chánh tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt; nội dung có ghi: Giao cho Võ Văn Hùng, người từng ra Hoàng Sa vào những năm trước đó, tuyển chọn 3 chiếc thuyền tốt và 24 dân phu thạo đường biển, cứ đến hạ tuần tháng 3 thì thuận theo thời tiết mà đi. “Tờ lệnh” còn ghi: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn sẽ phạm trọng tội”... Cuối “tờ lệnh” ghi ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1934) và kèm theo danh sách 10 người đi Hoàng Sa.
Thông qua “Tờ lệnh” này, chứng tỏ đi Hoàng Sa dưới thời triều Nguyễn được phân chia thành nhiều đợt, chặt chẽ và quy củ. Binh phu được tuyển chọn từ nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi chứ không chỉ riêng ở đảo Lý Sơn. “Tờ lệnh” là tài liệu vô cùng quý giá; khẳng định thêm một lần nữa, Hoàng Sa là của chúng ta.
Với huyện đảo Lý Sơn, phần đất gần Hoàng Sa nhất; là vùng đất cổ, có cư dân sinh sống cách đây khoảng 3.000 năm. Do nằm ở xa đất liền; là một hòn đảo khá yên bình, ít bị ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá, nên các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt phần lớn đều gắn với việc khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, được các dòng họ và nhân dân địa phương giữ gìn, bảo tồn khá tốt. Có thể nói, huyện đảo Lý Sơn là Bảo tàng Hoàng Sa giữa biển khơi. Mọi người trên đảo còn lưu truyền về một hải đội Hoàng Sa kiêu hùng thuở xưa. Tại đình làng Lý Vĩnh, cổng làng An Vĩnh rêu phong cổ kính, còn cất giữ kỷ niệm những buổi lễ tiễn đưa đoàn thủy binh lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ đo đạc thuỷ trình, canh chừng giặc biển và dựng bia chủ quyền. Có câu đối còn khắc ghi trong tâm khảm những người dân Lý Sơn:
Ân đức dựng xây miền đảo Lý
Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa
Theo sự kiện, thư tịch cũ viết rằng, vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công ngày 12/2/1836: Mỗi thuyền vãng thăm Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, để làm cột mốc chủ quyền... Năm ấy, đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, người làng An Vĩnh (đảo Lý Sơn), được lệnh đem theo 10 bài gỗ bia làm mốc. Mặt bài khắc chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa. Không biết ông Nhật đã đi được bao nhiêu chuyến nhưng cuối cùng, ông đã không về cùng với đội binh thuyền Hoàng Sa. Tên ông đã được đặt cho một hòn đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa.
Tính theo thời gian, đã có hàng vạn người con của Lý Sơn đi lính bảo vệ Hoàng Sa. Mấy câu ca vẫn còn lưu truyền trong nhân dân địa phương.
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa.
Nếu là để chia tay những người lính ra đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa thì tổ chức nghi lễ khao lề thế lính; còn để tưởng niệm những người đã mất thì khao lề tế lính. Bản văn tế chiến sĩ Hoàng Sa còn được lưu giữ tại Âm Linh Tự (ở Lý Sơn). Bản văn tế có đoạn:
... Xót thương thay, liều thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi, phong ba vùi dập. Tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn. Thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi Hoàng Sa...
Chúng ta thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ những tiền nhân đã giữ gìn bảo vệ Hoàng Sa; đồng thời khẳng định một chân lý không thể đảo ngược: Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Từ đó, nhắc nhở chính mình và muôn đời con cháu phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chi Phan (Trích trong Bút ký Hoàng Sa – Trường Sa trong ta)