Chân dung ông Vương Quang Khải - 'cánh tay phải' của ông chủ VNG Lê Hồng Minh, người đứng sau thành công của Zalo, Zing MP3

04/09/2024 12:38

Với đam mê lớn nhất là tạo ra những sản phẩm lớn cho người Việt sử dụng và có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, ông Vương Quang Khải là cha đẻ của không ít sản phẩm công nghệ đình đám.

Mới đây, CTCP VNG (Mã CK; VNZ) vừa thông báo VNG Limited đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). VNG Limited là cổ đông của VNG, dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán NASDAQ Global Select Market với mã giao dịch VNG.

VNG Limited là tổ chức nước ngoài có trụ sở tại quần đảo Cayman (Cayman Islands), đồng thời là cổ đông lớn nhất của VNG. Tổ chức này có hai người liên quan là người nội bộ tại VNG gồm Tổng Giám đốc – ông Lê Hồng Minh (sở hữu 12,27% vốn) và Phó Tổng giám đốc thường trực – ông Vương Quang Khải (sở hữu 4,99% vốn).

Nhắc đến VNG, bên cạnh ông Lê Hồng Minh thì không thể không nhắc đến ông Vương Quang Khải - là một trong những cái tên có công đi đầu trong việc khai phá thị trường nội dung số tại Việt Nam với hàng loạt dự án.

ho-so-doanh-nhan-ong-vuong-quang-khai-nguoi-dung-sau-thanh-cong-cua-zalo-zing-mp3-1692897896.jpg

Ba lần đánh sập mạng Trí tuệ Việt Nam của FPT và mối cơ duyên với ông Trương Đình Anh

Theo câu chuyện từng chia sẻ trên truyền thông, ngay từ khi còn là sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Khải đã ba lần đánh sập mạng Trí tuệ Việt Nam của FPT. Sau hai lần bị cảnh cáo và cắt tài khoản, đến lần thứ 3, ông Khải được ông Trương Đình Anh - người sáng lập mạng này mời về làm việc. Ông Trương Đình Anh cũng là một trong những nhân vật có tiếng trong giới công nghệ thông tin ở Việt Nam và là cựu CEO của FPT.

Tại thời điểm đó, ông Khải được đề nghị với vị trí phụ trách phát triển sản phẩm mạng Trí Tuệ Việt Nam. Ông Khải cũng là lớp trưởng khóa đầu tiên của Trung tâm Tài năng trẻ FPT và nằm trong số 13 nhân tài về phần mềm được FPT tập hợp để bắt đầu cuộc trường chinh toàn cầu hóa cho xuất khẩu phần mềm.

Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì tiếp tục làm việc tại FPT, ông Khải xin nghỉ việc để tìm kiếm học bổng đi Mỹ. Đến năm 2005, ông Khải đi du học tại Đại học Columbia nhờ tài trợ của quỹ học bổng Việt Nam VEF.

Câu chuyện đầu quân cho VNG

Năm 2007, sau khi kết thúc chương trình học tại Mỹ, ông Khải về nước. Lúc bấy giờ, 3 cái tên cái tiếng trong lĩnh vực Internet gồm có FPT, VTC và VNG, trong đó VNG là công ty nhỏ nhất.

Tuy nhiên, thay vì chọn FPT hay VTC, ông Khải đã quyết định đầu quân cho VNG. Nguyên nhân là bởi với FPT, ông Khải thấy mình không phù hợp với một nơi chủ yếu kinh doanh đường truyền và đòi hỏi phải có lợi nhuận trong khoảng hai năm kể từ khi đầu tư. Còn với VTC, dù công ty có tiềm lực và tiếng tăm, nhưng ông cũng không cảm thấy hứng thú.

Và ông lựa chọn đầu quân cho VNG - công ty nhỏ nhất là bởi 3 lý do. Đầu tiên, hai người có vị trí quan trọng nhất tại VNG (ông Lê Hồng Minh và ông Bryan) có chung khát vọng tạo ra những sản phẩm Internet làm thay đổi cuộc sống của người Việt.

Thứ 2, họ sẵn sàng ủng hộ những cách làm khác biệt, điều rất quan trọng trong bối cảnh Internet là một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam. Và cuối cùng, VNG sẵn sàng đầu tư dài hạn cho những sản phẩm lớn mà không đòi hỏi lợi nhuận ngay lập tức.

Được biết, trước đó, sau khi rời FPT, ông Lê Hồng Minh và Bryan cũng từng mời ông Khải gia nhập VNG nhưng bất thành.

Những sản phẩm mang dấu ấn của ông Khải tại VNG

Từ thất bại của Zing Chat đến thành công vang dội của Zing MP3…

Gia nhập VNG, ông Khải được giao phụ trách phát triển các sản phẩm Zing - mảng mới của một công ty trước đó chỉ làm game online.

Tại VNG, sản phẩm đầu tiên của ông Khải là Zing Chat. Đây là một sản phẩm mua bản quyền của một công ty Trung Quốc, điều chỉnh cho phù hợp với thị trường tại Việt Nam và được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với Yahoo Messenger.

Theo giới thiệu với Zing Chat người dùng không chỉ tán gẫu mà còn kết bạn, chia sẻ, mở rộng kênh giao tiếp, tìm kiếm thông tin, thu thập tin tức, thể hiện bản thân và nhiều dịch vụ giải trí cộng thêm khác mà những phần mềm chat thông thường chưa đáp ứng được. Zing Chat cũng là sản phẩm được VNG đầu tư nhiều về tiền bạc và cả nhân lực, tuy nhiên lại không thành công.

ho-so-doanh-nhan-ong-vuong-quang-khai-nguoi-dung-sau-thanh-cong-cua-zalo-zing-mp3-1-1692898074.png

Trái lại, Zing MP3 một sản phẩm được ông Khải quyết định làm thêm trong thời gian chờ các thủ tục để mua lại Zing Chat lại thành công vang dội. Được biết, Zing MP3 ra đời bắt nguồn từ nhu cầu cá nhân của ông Khải những năm còn học ở Mỹ. Vào thời điểm đó, hình thức giải trí chính là nghe nhạc, nhưng muốn tìm một bài hát hay người dùng phải mất nhiều thời gian để truy cập vào nhiều trang web nghe nhạc trực tuyến.

Zing MP3 chính thức ra mắt vào tháng 7/2008 và thổi một làn gió mới vào thị trường nhạc trực tuyến của Việt Nam, thay vì nghe những bài hát sẵn có trên website, Zing MP3 đã mở ra một xu hướng nghe nhạc mới đó là tìm kiếm bài hát mà mình ưa thích.

Mặc dù gần như không được đầu tư đáng kể về nhân lực cũng như tài chính, tuy nhiên chỉ sau 3 tháng ra mắt, Zing MP3 đã vượt mặt tất cả các đối thủ trên thị trường nghe nhạc trực tuyến tại thời điểm đó như: nhacso.net, truongton.net… Chỉ sau 6 tháng ra mắt, Zing MP3 vào danh sách 5 website có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam.

Thành công của Zing MP3 đã trở thành động lực lớn cho ông Khải và cùng những cộng sự trong nhóm sản phẩm Zing. Năm 2008, công ty tiếp tục cho ra mắt Zing News và hàng loạt sản phẩm sau đó như: Zing Star, Zing Movie, Zing Forum…

Tháng 9/2009, mạng xã hội Zing Me ra đời. Đây cũng là sản phẩm Internet tiếp theo mà ông Khải là "kiến trúc sư trưởng". Mạng xã hội này từng làm mưa làm gió một thời và nổi tiếng với nhiều game như: Siêu thị bạn bè, Khu vườn trên mây, Nông trại vui vẻ, Nhà hàng vui vẻ... Vào thời kỳ hoàng kim, Zing Me thậm chí vượt Facebook về số lượng người dùng. Cụ thể vào tháng 3/2011, số người dùng của Zing Me lên đến 6,8 triệu trong khi Facebook chỉ có 3,1 triệu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2012, dưới sự bành trướng của Facebook, Zing Me bắt đầu yếu thế và tới năm 2020, VNG quyết định đóng cửa mạng xã hội này.

… và của Zalo

Zalo được xem là một bước ngoặt của VNG khi chuyển trận chiến từ dịch vụ trên web sang di động khi chuyển qua phát triển ứng dụng OTT (ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động).

Tuy nhiên, tại thời điểm đó so với những đối thủ tiếng tăm trên thị trường như Line, Kakao Talk, Wechat… thì vị thế Zalo trong trận chiến với các OTT ngoại là rất thấp. Tháng 8/2012, Zalo lần đầu tiên ra mắt bản thử nghiệm với người dùng Việt và 4 tháng sau ra bản chính thức.

ho-so-doanh-nhan-ong-vuong-quang-khai-nguoi-dung-sau-thanh-cong-cua-zalo-zing-mp3-2-1692898238.png

Khởi đầu chậm, cộng thêm sai lầm nghiêm trọng là máy móc sử dụng nền tảng web dùng cho ứng dụng trên điện thoại di động, việc phát triển sản phẩm như rơi vào ngõ cụt.

Được biết, với Zalo, nhóm lãnh đạo phụ trách Zing, mà đứng đầu là ông Khải từng tuyên bố sẽ từ chức đồng loạt và rời khỏi công ty nếu sản phẩm thất bại.

Sau khi phát hiện ra sai lầm khi thiết kế sản phẩm, nhóm làm Zalo chỉ tập trung thiết kế một ứng dụng chỉ dùng cho các thiết bị di động. Nhờ đó, Zalo đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục và chỉ sau hai năm ra mắt, Zalo đã đạt con số 7 triệu người dùng, xếp thứ hai thị trường ứng dụng nhắn tin ở thời điểm đó.

Từng trả lời trên Tech in Asia, ông Vương Quang Khải chia sẻ rằng: “Zalo là từ kết hợp của Zing và Alo (dùng để chào nhau khi nghe máy ở Việt Nam). Nếu nhìn vào tên các sản phẩm trước đó như Zing MP3, Zing Me, Zing Game..., có thể thấy chúng tôi luôn sử dụng đầy đủ thương hiệu Zing để đặt tên cho các sản phẩm của mình.

Zing gắn liền với các dịch vụ web, nên có thể coi Zalo là một bước tiến hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi xác định ‘Mobile first’ sẽ là chiến lược quan trọng để tiến lên phía trước và Zalo thực sự là một bước khởi đầu mới. Cái tên của ứng dụng mang ý nghĩa tượng trưng cho bước chuyển hướng của chúng tôi từ một lĩnh vực đã quen thuộc sang một lĩnh vực mới”.

Sau hơn 10 năm kể từ thời điểm ra mắt, Zalo hiện nay đã trở thành ứng dụng được nhiều người sử dụng bậc nhất tại Việt Nam, với khoảng 73,4 triệu tài khoản và 2 tỷ tin nhắn mỗi ngày.

Theo vietnambusinessinsider.vn
https://vietnambusinessinsider.vn/chan-dung-ong-vuong-quang-khai-canh-tay-phai-cua-ong-chu-vng-le-hong-minh-nguoi-dung-sau-thanh-cong-cua-zalo-zing-mp3-a32948.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR0yNKJdp62PD6Hue6tUIz21_9bNHXVBSJs-NpXzYZkJ94oGOamonuljx7Q_aem_GG
Copy Link
https://vietnambusinessinsider.vn/chan-dung-ong-vuong-quang-khai-canh-tay-phai-cua-ong-chu-vng-le-hong-minh-nguoi-dung-sau-thanh-cong-cua-zalo-zing-mp3-a32948.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR0yNKJdp62PD6Hue6tUIz21_9bNHXVBSJs-NpXzYZkJ94oGOamonuljx7Q_aem_GG
Bài liên quan
  • Mách bạn cách tắt tự lưu ảnh trên Zalo
    Một số người dùng gặp phải rắc rối khi mỗi lần nhận được ảnh, ảnh đó tự động lưu vào thư viện điện thoại, dẫn đến tình trạng dung lượng bộ nhớ bị đầy nhanh chóng.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chân dung ông Vương Quang Khải - 'cánh tay phải' của ông chủ VNG Lê Hồng Minh, người đứng sau thành công của Zalo, Zing MP3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO