Năm 1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành Liên Xô Viktor Vasilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Sứ mệnh đưa ông trở thành người Việt Nam, cũng như người châu Á đầu tiên, thực hiện sứ mệnh cao cả này.
Giờ đây sau gần nửa thế kỷ, Amanda Nguyễn có thể là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên làm nên lịch sử từ một chuyến bay tương tự.
Sứ mệnh mang ý nghĩa đặc biệt
Ngày 25/3, Tổ chức phi lợi nhuận Space for Humanity (S4H, tạm dịch: không gian vì nhân đạo) của Mỹ, lần đầu tiên thông báo tài trợ cho chuyến bay vào vũ trụ của Amanda Nguyễn - một phụ nữ gốc Việt - theo Chương trình Phi hành gia Công dân.
Được biết, chương trình của S4H nhằm chọn lựa, đào tạo và đưa những cá nhân có ảnh hưởng từ nhiều tầng lớp xã hội lên vũ trụ để trải nghiệm "hiệu ứng toàn diện", tác động tích cực sau khi quan sát Trái Đất từ không gian.
S4H cũng cung cấp chương trình đào tạo chuyên môn cho các Phi hành gia Công dân để khi trở về Trái Đất, họ có thể đóng vai trò là nhà lãnh đạo và đại sứ toàn cầu, cam kết truyền cảm hứng cho một ngày mai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.
Trên trang chủ, S4H nhấn mạnh Amanda Nguyễn là "hình ảnh thu nhỏ của tinh thần và tham vọng của Chương trình Phi hành gia Công dân".
"S4H không thể tự hào hơn khi được hợp tác và hỗ trợ hành trình vào vũ trụ của Amanda Nguyễn. Chuyến đi mới lạ của Amanda sẽ là một tấm gương sáng ngời cho vô số người khác", ông Antonio Peronace, Giám đốc Điều hành S4H cho biết.
"Amanda và hành trình của cô ấy đại diện cho sức mạnh, niềm đam mê và sự xuất sắc mà chúng tôi muốn tiếp tục đưa lên tầm cao mới".
Theo dự kiến, Amanda Nguyễn sẽ góp mặt trên chuyến phóng tên lửa New Shepard sắp tới của Blue Origin, dẫu thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm của sứ mệnh vẫn chưa được công bố.
Trong một video do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam công bố hôm 28/3, Amanda Nguyễn nói bằng tiếng Việt: "Tôi là người Việt Nam".
"Tôi bay vào vũ trụ để những phụ nữ trẻ Việt Nam có thể nhìn thấy mình giữa những vì sao. Điều quan trọng đối với tôi là tôi có thể mang cộng đồng của mình ở bên cạnh", Amanda Nguyễn tiếp tục.
Cô cũng không quên khẳng định: "Tôi có thể là người đầu tiên, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng".
Hành trình gần một thập kỷ giúp đỡ những nạn nhân bị tấn công tình dục
Năm 2013, Amanda Nguyễn là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục khi đang học đại học tại trường Đại học Harvard ở Massachusetts, Mỹ.
Sau vụ việc kinh hoàng, cô quyết định không buộc tội ngay lập tức vì cảm thấy mình không có đủ thời gian và nguồn lực cần thiết để tham gia vào một phiên tòa có thể kéo dài nhiều năm.
Sau khi gặp gỡ với những nạn nhân bị tấn công tình dục khác với những câu chuyện tương tự, Amanda Nguyễn nhận thấy rằng các biện pháp bảo vệ pháp lý hiện tại đối với nhóm người yếu thế ở Mỹ là chưa đủ.
Tạm gác lại những dự án còn dang dở, cô quyết tâm sẽ đứng ra để bảo vệ quyền lợi, mang lại công lý cho bản thân và những nạn nhân bị lạm dụng, tấn công tình dục khác.
Năm 2014, cô thành lập Rise, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền công dân của những nạn nhân bị tấn công tình dục và cưỡng hiếp.
Một trong những phát kiến tạo ra bước ngoặt của Amanda Nguyễn trong hành trình của mình, là việc được luật pháp công nhận, cho phép sử dụng "bộ dụng cụ thu thập chứng cứ hiếp dâm" (rape kit).
Đây là bộ dụng cụ nhằm thu thập bằng chứng DNA từ hiện trường vụ án hiếp dâm, có thể là từ cơ thể, quần áo, và các vật dụng cá nhân của nạn nhân. Theo Amanda Nguyễn, thủ tục này nhằm mục đích thu thập, tiến hành điều tra và cuối cùng là tìm ra kẻ phạm tội.
"Bộ dụng cụ chống hiếp dâm của tôi mất 6 giờ trong bệnh viện để tìm ra hung thủ, và đưa hắn ra ngoài ánh sáng", Amanda Nguyễn cho biết trên website cá nhân.
Amanda sau đó cũng tham gia vào đề xuất, soạn thảo Đạo luật về Quyền của những người sống sót sau vụ tấn công tình dục, được nhất trí thông qua tại Quốc hội trước khi được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật vào ngày 7/10/2016.
Đạo luật này đã thiết lập các quyền theo luật định trong bộ luật liên bang dành cho những người sống sót sau vụ tấn công tình dục và cưỡng hiếp, ảnh hưởng đến ước tính gần 25 triệu người sống sót sau vụ hiếp dâm ở Mỹ.
Amanda Nguyễn cũng dành sự tập trung đặc biệt vào mối giao thoa giữa chủng tộc và giới tính. Những chiến dịch của cô đã khơi dậy phong trào "Ngăn chặn sự căm ghét của người châu Á", giúp bảo vệ quyền lợi và sự bình đẳng sắc tộc của hàng triệu người gốc Á tại Mỹ.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, cô đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2019 và là Người phụ nữ của năm do tạp chí TIME bình chọn vào năm 2022.
Sau gần một thập kỷ làm nên lịch sử, Amanda Nguyễn giờ đây chuẩn bị cho một thời khắc quan trọng hoàn toàn mới.