Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà: Bác sĩ cảnh báo dùng thuốc kháng virus

Phạm Đông| 27/02/2022 10:10

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, tỷ lệ mắc ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Do vậy, nhiều cha mẹ thắc mắc liệu có thể cho con F0 sử dụng các loại thuốc kháng virus để nhanh âm tính hay không.

Loay hoay khi con thành F0

Gia đình anh Nguyễn Văn Định (SN 1989, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) có 5 thành viên mắc COVID-19. Trong nhà, vợ anh là F0 vào ngày 8.2, sau đó lần lượt 3 con nhỏ và cuối cùng là anh Định.

Do có trẻ sơ sinh bị mắc COVID-19 (con út chưa đầy 1 tháng tuổi) nên ban đầu anh Định rất lo lắng. Trong thời gian đó, anh nhận nhiệm vụ chăm sóc con gái lớn và con trai, còn vợ anh sẽ chăm sóc con gái út. Vì cả gia đình đều là F0 nhưng anh vẫn xịt khuẩn thường xuyên, giữ vệ sinh kỹ cho cả nhà. Điều mà anh Định lo lắng nhất là việc điều trị của 3 con, bởi còn nhỏ nên các cháu đều chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 như bố mẹ.

Cũng theo anh Định, trong quãng thời gian đầu, có thể nồng độ virus trong người các bé cao nên các triệu chứng có phần nặng hơn bố mẹ. Lúc ấy, anh rất phân vân việc có nên sử dụng thuốc kháng virus để nhanh âm tính. Tuy nhiên, vì sợ tác dụng phụ của thuốc và di chứng hậu COVID-19 nên anh không dám sử dụng cho con.

Tương tự, gia đình anh Lê Trung Nguyên (Mai Dịch, Cầu Giấy) có con gái 5 tuổi mắc COVID-19. Trước đó, do cơ quan anh có F0, nhà có con nhỏ, bố mẹ già, nên anh cũng mua sẵn thuốc kháng virus để dự phòng. Qua tham khảo trên mạng anh thấy có rất nhiều loại thuốc trị COVID-19 của nước ngoài với nhiều loại giá khác nhau và đã tìm mua một số loại như: Favipiravir, molnupiravir.

Anh Nguyên cho hay, hôm đầu con bị F0, vợ anh tá hỏa, khóc vì lo nhưng sau đó cả gia đình lấy lại bình tĩnh để cùng đồng hành với con. Trong thời gian đó, gia đình có xông sả, gừng, vỏ bưởi, uống nước cam như lời bạn bè mách bảo. Do 2 ngày đầu con sốt cao nên vợ anh có cho bé sử dụng thuốc kháng virus. Sau đó, khi bác sĩ khuyến cáo nên gia đình đã bỏ hẳn, chỉ uống thuốc theo triệu chứng.

Xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc COVID-19

Theo các bác sĩ, khi trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ thì trẻ nên được chăm sóc, điều trị tại nhà. Việc chăm sóc trẻ cần tuân theo hướng dẫn, tránh việc tự ý dùng thuốc. Người chăm sóc cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa ngay trẻ đến cơ sơ y tế.

Việc điều trị tại nhà ở trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ là chìa khóa nhằm giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết. Trong quá trình chăm sóc và điều trị COVID-19 cho trẻ tại nhà, cần chú ý việc sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C, uống thêm nước và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ... Không tự ý dùng thuốc chống viêm, chống đông khi không có ý kiến bác sĩ.

Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà cảnh báo cha mẹ không dùng thuốc kháng virus cho trẻ em. Bởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ em không có chỉ định dùng thuốc kháng virus SARS-CoV-2, trừ duy nhất một loại là Remdesivir. Đây là thuốc đường tĩnh mạch, phụ huynh không thể mua vì tai biến nặng. Vài nghiên cứu cho rằng Remdesivir có tác dụng với trẻ mức độ nặng và nguy kịch (các trường hợp này đều nhập viện) và phải sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia Nhi khoa.

Bác sĩ Cường cho biết, trẻ em không nên dùng thuốc kháng virus vì hầu hết trẻ nhiễm COVID-19 đều ở mức độ nhẹ và không triệu chứng. Lợi ích của thuốc kháng virus không rõ ràng và chưa có bằng chứng thuốc này giúp trẻ mau khỏi bệnh và hiệu quả.

Thuốc kháng virus cũng chưa có khuyến cáo dành cho phụ nữ mang thai, bởi nguy cơ ảnh hưởng phát triển thai nhi. Phụ nữ cho con bú nếu dùng thuốc kháng virus nên dừng cho con bú và thay bằng sữa công thức. 

Một bác sĩ khác khuyến cáo, khi điều trị cho trẻ ở nhà, cha mẹ cần dự phòng những thuốc như hạ sốt, bù nước điện giải, có thể bổ sung vitamin tổng hợp; thuốc điều trị ngạt tắc mũi; thuốc ho. Cha mẹ cần dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Gia đình không nên cho trẻ tự uống thuốc ngoài những thuốc được khuyến cáo ở trên.

Khi cần tư vấn, các cha mẹ có thể liên hệ các số điện thoại của các bệnh viện có khoa Nhi hoặc các cơ sở xử trí của từng phường/huyện để được tư vấn phù hợp.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà: Bác sĩ cảnh báo dùng thuốc kháng virus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO