Những câu chuyện về nạn nhân của các vụ xâm hại/tấn công tình dục ở tuổi vị thành niên hay khi trưởng thành luôn để lại những vết sẹo.
Đớn đau hơn là chưa bàn đến sự cảm thông, chia sẻ của người ngoài, nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục lại bị người thân, gia đình chỉ trích, cào xé thêm vết thương.
Định kiến thành xích xiềng trói buộc tình yêu của cha mẹ?
Tôi có một người bạn, cô ấy bị một người thân quấy rối tình dục ở giai đoạn cô đang bước vào tuổi trưởng thành. Đó là nỗi tủi nhục, đau đớn không thể giãi bày cùng ai. Nhưng rồi cô chọn cách chia sẻ với mẹ, bởi cô không thể chịu đựng một mình, bởi cô ghê sợ ánh mắt của gã đó mỗi khi chạm mặt.
Thế nhưng, điều cô không ngờ tới, là mẹ cô cũng sững sờ, chết lặng. Nhưng giây phút đó qua đi, bà bất ngờ chĩa mũi dùi về phía cô. Bà khóc nức nở rồi cay nghiệt trách con gái ăn mặc cho người ta để ý, thích lại gần bọn đàn ông “cho chúng nó nhăm nhe”. Bà quên mất thủ phạm, hoặc bà không có ý định tìm ra kẻ quấy rối, hẳn bà cho rằng việc tìm kiếm danh tính của hắn chỉ khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Bà quên rằng con gái bà mới quan trọng hơn mọi thứ khác.
Bạn tôi miêu tả giây phút đó bạn gần như chết lặng, mọi giác quan như bị tê liệt, cũng giống phút giây bạn bị xâm hại. Và bạn ước gì có thể đừng kể cho mẹ nghe, ước gì bạn giữ kín bí mật ấy mãi mãi, bạn tự trách chính mình sao yếu đuối.
Ở những vùng nôn thôn hay thậm chí là thành thị, mỗi khi nghe đến các vụ xâm hại tình dục, dư luận thường buột miệng: “Tại con bé ấy ăn mặc mát mẻ” hay “Một mình mà thích lại gần đàn ông”... Những lời miệt thị luôn hướng đến nạn nhân, mà quên mất rằng kẻ đáng chỉ trích ở đây chính là kẻ quấy rối.
Phải chăng đây là tư duy của những ông bố, bà mẹ bị ràng buộc bởi định kiến trọng nam khinh nữ? Họ mặc nhiên cho rằng làm con gái phải biết tự bảo vệ bản thân, là con gái nên thua thiệt và chuyện gì xảy ra thì lỗi cũng là của mình.
Chính quan điểm lạc hậu ấy khiến họ âm thầm chịu đựng, nhận hết lỗi lầm về bản thân và mặc nhiên cho rằng con gái họ cũng phải vậy. Họ mất đi ý niệm đấu tranh, mất đi quyền được bảo vệ, cả quyền đứng về phía con cái của mình.
Xét ở khía cạnh nào đó, cách phản ứng của những người làm mẹ trong trường hợp ở trên, cũng được xem là nạn nhân của lề lối xưa cũ. Phản ứng ấy, không hẳn là chỉ có sự cay độc, đay nghiến. Một phần nào đó cũng thể hiện sự bất lực của người mẹ khi không bảo vệ được con mình, nhưng họ không làm được gì khác nên trút giận lên đứa con.
Chúng ta có thể hiểu được phần nào tâm lý cực đoan của những người mẹ ấy, họ cam chịu, không muốn tố giác kẻ quấy rối vì xấu hổ, vì bẽ mặt, vì nhiều lý do và cũng bỏ qua luôn cảm giác của con mình.
Có thể hiểu, có thể cảm thông phần nào cho những người mẹ ấy, nhưng trong một xã hội hiện đại, chúng ta phải nghĩ khác, phải hành động khác để không chà đạp vết thương của con cái, phải khiến kẻ quấy rối chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Bậc làm cha mẹ không phải cứ chịu đựng, thấy những việc ở thời mình sống là “bình thường” rồi mặc định thời của con, những việc như vậy cũng là “bình thường” được.
Nỗi đau bị xâm hại và những lời dạy dỗ cay đắng có lành theo năm tháng?
Bạn tôi kể rằng khi mẹ nói những lời cay độc ấy, bà quên mất rằng con gái của bà là nạn nhân, và bỏ mặc luôn cả sự tổn thương từ thể chất đến tâm hồn của bạn. Bởi ngay phút giây kinh hoàng mà bạn trải qua (mãi đến giờ vẫn không quên được), bạn chỉ mong được vỗ về, được mẹ đứng về phía mình.
Nhưng rồi bạn lại nhận được những lời dạy dỗ không đúng thời điểm. Điều đó khiến bạn rốt cuộc lại trở về cõi chết sau khi đã thoát được hố sâu. Hai nỗi đau liên tiếp khiến bạn tôi như trở thành một con người khác, thu mình vào một thế giới khép kín.
Và bạn lớn lên cùng sự tổn thương không thể nào lành. Giờ đây khi đã làm mẹ, khi đã hiểu hơn cảm giác của một người lớn, bạn nói có thể thông cảm cho mẹ, bạn không còn những lần oán trách. Nhưng bạn vẫn cứ ước giá như mẹ phản ứng khác đi, mẹ có thể ôm bạn và chia sẻ, có khi bạn không có những vết sẹo tinh thần thế này.
Những tổn thương ấy không thể nào nguôi ngoai, dù thời gian có làm mờ đi ký ức phần nào. Tôi vẫn biết trong muôn vàn dòng suy nghĩ, bạn tôi vẫn thỉnh thoảng giận dữ khi vô tình chợt nhớ đến chuyện cũ.
Nếu thấu hiểu được cảm giác của con cái, tôi tin không một người mẹ nào muốn những đứa con của mình phải trải qua sự hoảng loạn, sợ hãi tột độ ấy. Càng không ai muốn con cái lớn lên với sự tổn thương không bao giờ lành được.
Vậy thì, nếu chẳng may con của mình phải trải qua nỗi đau bị xâm hại, xin những người làm mẹ hãy đứng về con mình, đừng chỉ trích, cũng đừng dạy dỗ, đừng trách tại sao thế này thế kia. Hãy ôm con thật chặt, san sẻ nỗi đau của con, chăm sóc vết thương ấy, hãy nói con không đáng bị thế này, hãy cùng con tố giác kẻ quấy rối kia.
Hãy làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái của chúng ta, nhưng đừng nhân danh bản thân, hãy làm điều đó vì tình yêu thương vô bờ bến của những người cha, người mẹ.
Bởi không phải cha hay mẹ, con bạn mới là người chịu đựng nỗi đau và sự tổn thương. Nếu không thể cùng con chữa lành, xin đừng khoét thêm vào vết thương sâu hoắm đó. Điều đó chỉ khiến khoảng cách giữa cha mẹ - con cái càng ra xa mà thôi.
Khi con bạn lần đầu nhìn thấy sự tàn nhẫn của thế giới bên ngoài, hơn ai hết chúng cần vòng tay yêu thương của bố mẹ, một sự bảo bọc cần thiết và kịp thời hơn lúc nào hết. Đừng khiến bạn thân phải hành động sai vì bất kỳ điều gì bên ngoài.
Người ta vẫn hay nói tình yêu có thể chữa lành mọi vết thương. Điều đó luôn đúng, một tình yêu vô điều kiện. Chúng ta có thể dạy con cái cách bảo vệ bản thân, nhưng đó chỉ là phòng bị, vào một lúc nào đó, không phải lúc con đã bị xâm hại. Cách dạy dỗ phải đúng thời điểm, bởi nếu không rất dễ phản tác dụng.
Yêu thương và thấu hiểu con cái, đó mới là cách khó nhưng đúng nhất, để nuôi dưỡng một tâm hồn. Đừng để những sĩ diện, xấu hổ đặt lên trên con cái. Chúng không cần những điều đó, cha mẹ cũng không.