Mọi người thường lo lắng rằng, một đứa trẻ dành thời gian một mình và không nói về cảm xúc sẽ bị tổn thương về mặt tình cảm, chẳng hạn như trầm cảm. (Ảnh: ITN).
Theo giới chuyên gia, hướng nội chỉ là một đặc điểm tính cách bình thường, thay vì lo lắng, cha mẹ nên thấu hiểu và tìm ra giải pháp phù hợp để con luôn cảm thấy hạnh phúc.
Thấu hiểu tính cách hướng nội
Một số bậc cha mẹ có thể thấy rằng con mình dường như không hòa nhập với xã hội như nhiều đứa trẻ khác. Chúng thích dành thời gian một mình để đọc sách hoặc tham gia vào các hoạt động cá nhân hơn là háo hức tìm kiếm sự đồng hành của những đứa trẻ khác.
Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là đảm bảo rằng mình hiểu thế nào là người hướng nội. Hiểu được nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nuôi dạy một đứa trẻ hướng nội.
Cha mẹ có thể tìm hiểu một số đặc điểm chung của người hướng nội để thấy rằng những gì con mình thể hiện là khá bình thường và không có gì phải lo lắng.
Mọi người thường lo lắng rằng một đứa trẻ dành thời gian một mình và không nói về cảm xúc sẽ bị tổn thương về mặt tình cảm, chẳng hạn như trầm cảm. Hành vi như vậy có thể là dấu hiệu của trầm cảm, nhưng trong trường hợp đó, điều chúng ta tìm kiếm là những thay đổi trong khuôn mẫu hành vi.
Hướng nội không phải là phản ứng trước những ảnh hưởng bên ngoài; đó là một đặc điểm tính cách. Nói cách khác, một đứa trẻ biểu cảm và hướng ngoại, trở nên thu mình và im lặng không đột nhiên trở thành người hướng nội.
Có lẽ mối quan tâm về tình cảm hạnh phúc đã khiến nhiều phụ huynh (và giáo viên) cố gắng khiến những đứa trẻ hướng nội “cởi mở” và hòa nhập nhiều hơn với những đứa trẻ khác, nhưng đó không phải là giải pháp tốt nhất.
Điều chúng ta cần làm là hiểu sâu hơn về ý nghĩa của việc trở thành một người hướng nội. Một bức chân dung đầy đủ của người hướng nội có thể cực kỳ hữu ích trong tình huống này.
Tôn trọng sở thích của con
Khi bạn đã nhận ra được sở thích của con mình thì bạn cần phải tôn trọng những sở thích đó. (Ảnh: ITN).
Một khi bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc trở thành người hướng nội, bạn sẽ có thể nhận ra sở thích của con mình tốt hơn. Và một khi bạn đã nhận ra được sở thích của con mình thì bạn cần phải tôn trọng những sở thích đó.
Ví dụ, người hướng nội có xu hướng ít bạn bè. Nếu bạn thấy con mình chỉ có một hoặc hai người bạn trong khi những đứa trẻ khác có nhiều, bạn có thể bắt đầu lo lắng rằng con mình đang gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.
Bạn có thể cảm thấy rằng bạn nên khuyến khích con kết nhiều hơn. Bạn có thể sắp xếp nhiều buổi vui chơi và mời nhiều trẻ đến cùng một lúc. Bạn thậm chí có thể thử nói chuyện với con để tìm hiểu xem “vấn đề” là gì.
Nhưng, buộc con bạn dành nhiều thời gian hơn mong muốn với những đứa trẻ khác và cố gắng thúc đẩy con có nhiều mối quan hệ hơn sẽ không khiến con cởi mở hơn.
Ngược lại, điều này sẽ khiến trẻ tiêu hao nhiều năng lượng hơn và khiến trẻ trở nên cáu kỉnh hơn. Thay vào đó, bạn có thể để con quyết định xem con muốn kết bạn với ai và mất bao nhiêu thời gian để làm điều đó.
Hỗ trợ con trong cuộc sống
Trẻ hướng nội có xu hướng ít bạn bè. (Ảnh: ITN).
Khi hiểu được bản tính hướng nội của con, bạn có thể nhận thấy những người khác có thể không làm những điều tốt nhất cho con bạn.
Ví dụ, một giáo viên có thể nói với bạn rằng con bạn đang gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội vì cháu không thích chơi và hòa nhập với các học sinh khác trong các hoạt động nhóm. Vì thế, giáo viên có thể đang thúc đẩy con bạn tham gia nhiệt tình hơn.
Đây là một tình huống khó khăn vì làm việc nhóm đã trở thành một phần không thể thiếu trong giáo dục. Bạn thực sự muốn hỗ trợ con mình, nhưng bạn không muốn cố gắng thuyết phục giáo viên cho con bạn nghỉ học nhóm. Điều bạn cần làm là giúp giáo viên hiểu lý do tại sao con bạn không thích các hoạt động nhóm như những đứa trẻ khác.
Để việc giải thích này trở nên thuyết phục hơn, bạn có thể cần phải làm một bài kiểm tra tính cách cho con, điều này sẽ giúp giáo viên nắm được một số đặc điểm tính cách cơ bản của con bạn, bao gồm cả tính hướng nội, từ đó họ sẽ hiểu rõ hơn về hành vi của con và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với con.
Theo Giáo dục và thời đại