Bất ngờ vì con nhỏ cũng bị loét dạ dày
Mới đây, bé trai N.G.N. (9 tuổi, Hà Nội) xuất hiện triệu chứng đau bụng thượng vị, đau âm ỉ, cơn đau tăng sau ăn và về đêm, kèm ợ hơi, buồn nôn và nôn, cảm giác nóng rát cổ họng, chán ăn, mệt mỏi.
Thấy bất thường, gia đình đã tự ý cho bé N. dùng men vi sinh, nhưng triệu chứng không thuyên giảm, đã quyết định đưa con đến Bệnh viện đa khoa MEDLATEC thăm khám.
Các bác sĩ đã chỉ định bé N. làm xét nghiệm, nội soi dạ dày tá tràng. Kết quả cho thấy thực quản bé có vết trợt dưới 5mm, dạ dày niêm mạc phù nề, xung huyết… Test nhanh vi khuẩn HP dương tính.
"Gia đình tôi vô cùng bất ngờ con nhỏ thế mà đã bị loét dạ dày. Bởi trước đây tôi chỉ nghĩ bệnh đau dạ dày chỉ gặp ở người lớn, nên khi con có bất thường tôi vẫn chủ quan nghĩ đó là do ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa, gây mệt mỏi và chỉ cho uống men tiêu hóa", mẹ bé N. cho biết.
Bệnh viện Nhi T.Ư cũng cho biết, trước đó đã tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội, trước khi vào viện 2 ngày bệnh nhi có biểu hiện nôn trớ, trào ngược thức ăn sau khi ăn.
Kiểm tra dạ dày thấy niêm mạc dạ dày xung huyết kèm theo các đốm đỏ, viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày và bệnh nhi đã nhiễm vi khuẩn HP.
Đây là một loại vi khuẩn là nguyên nhân khá phổ biến liên quan bệnh viêm loét dạ dày và có thể lây lan cho trẻ em nếu trong gia đình và cộng đồng có người mắc bệnh, chưa được điều trị triệt để.
Loét dạ dày ngày càng trẻ hóa
Bác sĩ Lưu Tuấn Thành - chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC - cho biết bệnh lý dạ dày là bệnh lý phổ biến nhất trong cơ cấu mặt bệnh đường tiêu hóa hiện nay. Điều đáng lo ngại là bệnh có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp bé trai, bé gái dưới 10 tuổi mắc bệnh dạ dày.
Nguyên nhân phổ biến nhất là vi khuẩn HP, ngoài ra còn do thói quen ăn uống không điều độ: bỏ bữa sáng, hay ăn đồ chua cay hoặc do áp lực công việc, stress căng thẳng trong cuộc sống.
"Mặc dù là bệnh hay gặp, dễ gây biến chứng nguy hiểm và có xu hướng trẻ hóa, nhưng nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn chặn được bệnh tiến triển nặng, cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh", bác sĩ Thành cho hay.
Theo bác sĩ Thành, nếu cha mẹ thấy con có những dấu hiệu bất thường trong thời gian dài thì cần cho con đi khám kịp thời như: biếng ăn, đặc biệt là nôn ói thường xuyên, đau bụng, đầy hơi, ợ chua, dễ nôn, khó tiêu, da mặt xanh xao, sụt cân, hoặc tăng cân chậm…
Để phòng bệnh tiêu hóa ở trẻ, cha mẹ phòng bệnh cho con theo những cách sau: Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm ăn đầy đủ các bữa, đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc để quá đói, bữa ăn bảo đảm đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước, tránh các đồ uống chứa cồn, đồ chua cay...
Bên cạnh đó, thực hiện ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, duy trì giấc ngủ khoảng 7-8h mỗi ngày, vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cảnh giác khi mớm cơm cho trẻ
Theo bác sĩ Thành, nhiều nghiên cứu tại Việt Nam, có tới 70-80% dân số có vi khuẩn HP trong dạ dày. Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ cần cảnh giác nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn HP có thể do chính thói quen hay gặp như mớm đồ cho trẻ, ăn chung bát đũa, đồ chấm trong bữa ăn.
Nếu trong gia đình có người bị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP nên lưu ý và đi kiểm tra ngay nếu có dấu hiệu bệnh thường, tuân thủ thuốc uống điều trị theo đơn của bác sĩ.
Theo ghi nhận của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, nước ta có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hoặc để tái phát nhiều lần có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: loét dạ dày tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, thậm chí có thể dẫn tới ung thư dạ dày.
Các bác sĩ khuyên cha mẹ cần tránh những sai lầm trong nuôi dưỡng trẻ: “Cần chú ý việc vệ sinh trong ăn uống cho trẻ để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa nói chung.
Không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi máy tính, xem tivi hay nhảy múa hát ca trong bữa ăn...,việc vừa ăn vừa xem hoặc chơi đùa khiến trẻ phân tâm, xao lãng dẫn đến khó tiêu hóa thức ăn, trẻ không cảm thấy món ăn ngon hay không mà chỉ đưa thức ăn vào miệng như một thói quen, từ đó hạn chế tiết dịch tiêu hóa thức ăn và có thể dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa.
Nhóm trẻ từ 10 đến 16 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh dạ dày còn cao hơn nhiều so với nhóm nhỏ tuổi hơn vì đây là nhóm trẻ thường gặp áp lực trong học tập, áp lực từ gia đình và bạn bè.