Nếu cha mẹ luôn "giả vờ rộng lượng" trong ba vấn đề này thì cuối cùng sẽ làm hại con mình.
01. Luôn đối xử cộc cằn với con cái và rộng lượng với người ngoài
Có một nghịch lý mà nhiều người không nhận ra hay không tự nhận thức được, đó là chúng ta thường dễ dàng mất kiểm soát và nói năng nặng hơn với những người thân hay con cái của mình. Còn với bạn bè hay những đứa trẻ xung quanh, chúng ta lại cẩn trọng hơn trong câu chữ lời nói và hành xử, tỏ ra thân thiện, rộng lượng.
Trong việc giáo dục con cái cũng vậy. Rất ít bậc cha mẹ nhận ra mình đã làm tổn thương con. Họ thoải mái dùng những lời nói nặng nề hàng ngày với trẻ, chỉ trích khi trẻ phạm một sai lầm dù rất nhỏ. Chẳng hạn như một người mẹ vì lo con thừa cân, lo cho sức khỏe của con, cô có thể nói: "Con nên ăn ít vào buổi tối". Nhưng cô lại cau mày nhăn nhó: "Con không nghĩ mình đang ăn như một con lợn hay sao?".
Có một số người khác, ra ngoài thì hòa nhã với đồng nghiệp, bạn bè. Nhưng khi bị chèn ép trong công việc, cuộc sống gặp áp lực, tâm trạng không tốt, không biết cách tháo gỡ, không có nơi tâm sự, bèn trút lên đầu con cái. Đối với họ, con cái là do mình sinh ra, mắng mỏ con một chút cũng không sao. Thật ra đối với trẻ em mà nói, không khí gia đình sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cả một đời. Một đứa trẻ hạnh phúc, có thể dùng tuổi thơ vui vẻ sống tốt phần đời còn lại; một đứa trẻ bất hạnh, có khi phải dùng cả phần đời còn lại để trị liệu cho vết thương của tuổi thơ.
Người làm cha mẹ cần kiểm soát tốt cảm xúc, rồi dùng tình thương để lắng nghe, phân tích và định hướng cho con, giúp con trưởng thành. Làm cha mẹ, người thân mà chỉ biết trách mắng sẽ khiến trẻ càng ngày càng xa lánh, không dám gần gũi. Rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong một gia đình như vậy, và cuối cùng trở thành kiểu cha mẹ tương tự. Đây là sự truyền tải giữa các thế hệ trong tâm lý học.
Ảnh minh họa
02. Luôn khen ngợi con người khác và coi thường con mình
Xung quanh chúng ta có hai kiểu cha mẹ, một kiểu luôn nhìn thấy ưu điểm của con mình và không ngừng khen ngợi con, không bao giờ so sánh con với con người khác. Kiểu còn lại là đầy khuyết điểm của con mình, con của người khác mới là đứa con hoàn hảo.
Cư dân mạng nọ chia sẻ câu chuyện: Cháu của mình khi còn nhỏ đã rất tốt, thường giúp đỡ bố mẹ công việc và đạt điểm cao. Nhưng trong mắt họ, đâu đâu cũng có vấn đề. Có lần, một người hàng xóm khen ngợi: Đứa trẻ này thật siêng năng! Người bố bác bỏ: Không thể nào! Bình thường nó lười đến mức ngày nào cũng ngủ cho đến khi mặt trời chiếu vào, nhưng bây giờ có người ở đây lại muốn thể hiện.
Người hàng xóm lại nói: Đứa trẻ này năm nào cũng học giỏi, thật sự rất xuất sắc! Người bố lại phản bác: Nó thì có gì hay? Cứ làm mọi việc mà không cần suy nghĩ. Tôi không biết sao lại sinh ra một đứa trẻ ngu ngốc như vậy.
Sau khi người hàng xóm rời đi, đứa trẻ hỏi, tại sao bố lại nói như vậy? Câu trả lời của ông bố là: Bố sợ khen con sẽ tự cao, con thực sự cho rằng mình có thể làm tốt mọi việc và không cố gắng. Ông đâu biết rằng sự coi thường này không hề truyền cảm hứng cho con tiến bộ mà ngược lại còn khiến con trở nên nhạy cảm và mong manh.
Muốn con ngoan hơn, cha mẹ không nên liên tục coi thường, ức hiếp con. Thay vào đó, chúng ta nên tích cực động viên, khen ngợi trẻ, để có thể khuếch đại những mặt tích cực trong lòng trẻ, từ đó giúp con trở nên tự tin, có động lực và tiến bộ hơn. Khi người khác khen ngợi con mình, cha mẹ cũng nên thừa nhận những ưu điểm của con và cho con biết rằng chúng rất xuất sắc trong mắt cha mẹ!
03. Trẻ bị bắt nạt nhưng cha mẹ không coi trọng
Khi con bị hà hiếp, cha mẹ nên làm gì? Một người nhớ lại, khi mình còn nhỏ, được người dì mua cho một chiếc máy bay đồ chơi. Nhưng cậu chưa kịp chơi thì bị đứa trẻ hàng xóm nhìn thấy và chạy tới lấy. Cậu đã cố gắng hết sức để bảo vệ chiếc máy bay nhỏ, tuy nhiên đối thủ quá mạnh và cuối cùng phải đau lòng nhìn đồ chơi bị cướp đi.
Sau khi nói với bố, người bố nghĩ đều là hàng xóm, không nên làm căng: "Đợi nó chơi một lúc rồi sẽ trả lại cho con. Nếu con muốn chơi thì chán gì thứ. Con keo kiệt vậy làm gì?".
Không biết bạn đã từng gặp phải những bậc cha mẹ như thế này chưa, khi con bị bắt nạt, họ luôn tỏ ra rộng lượng nhưng ít ai biết rằng người đang bị tổn thương lại chính là con ruột của mình.
Đối với mỗi đứa trẻ, cha mẹ là thế giới và là chỗ dựa lớn nhất của chúng. Khi cảm thấy không an toàn, chúng tìm đến để được bảo vệ càng sớm càng tốt. Nếu một đứa trẻ bị bắt nạt, cha mẹ không tìm kiếm công lý cho con, bỏ qua những bất bình mà con cái phải gánh chịu sẽ gây hại cho trẻ.
Khi con cái bị đối xử bất công thì dù người khác có nghĩ gì đi nữa, cha mẹ cũng phải đứng ra bảo vệ chúng. Nếu chỉ vì giành được sự ngưỡng mộ tạm thời của người khác rồi bỏ qua cảm xúc của con hết lần này đến lần khác, để con bị đối xử bất công, cuối cùng sẽ khiến tâm hồn con bị một vết thương khó lành.
Theo Phụ nữ mới