Trong bài viết "Tôi chơi và làm game online", ông Minh, khi ấy 29 tuổi, mới khởi nghiệp được 2 năm, đã giãi bày rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc cá nhân về game và nghề làm game.
Thời điểm "liều lĩnh" và thú vị
VNG hiện là một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu với doanh thu gần chạm 10.000 tỉ đồng (hơn 5 lần so với năm 2014), với hơn 4.000 nhân sự và 14 văn phòng trên toàn thế giới. Các mảng kinh doanh chủ lực - Game, Zalo, Fintech, Digital Business đang phục vụ hơn 100 triệu người dùng cá nhân và hàng chục ngàn khách hàng doanh nghiệp.
Nhưng ít ai biết rằng 20 năm trước, ông Minh và những người bạn của mình đã "liều mạng" như thế nào khi lập ra VinaGame (tiền thân của VNG), để theo đuổi việc kinh doanh game.
"Tháng 11-2004, thời điểm ký hợp đồng phát hành Võ Lâm Truyền Kỳ với KingSoft, khi VinaGame vừa thành lập được 2 tháng, với vỏn vẹn 5 thành viên chính thức, chưa có văn phòng làm việc, chưa có… cả tài khoản ngân hàng.
Lúc đó cảm nghĩ đây là một trong những thời điểm "liều lĩnh" và thú vị nhất của mình vì đã thực hiện được ước mơ là đem game online đầu tiên về Việt Nam. Chưa biết phải làm gì, chưa biết phải bắt đầu như thế nào, nhưng dù sao thì cũng đã… bắt đầu rồi!", ông Minh nhớ lại.
Tháng 11-2006, dù Võ Lâm Truyền Kỳ đã thành công rực rỡ nhưng mọi việc của công ty vẫn còn "ngổn ngang trăm mối", từ việc đáp ứng các quy định còn rất mới khi ấy từ cơ quan quản lý cho hoạt động kinh doanh game, tới nỗ lực để công luận, xã hội hiểu rõ về game và mình hơn.
"Xa hơn một chút là kế hoạch phát hành sản phẩm mới trong năm sau, bao gồm cả những trò chơi với nội dung và cốt truyện hoàn toàn Việt Nam. Một xưởng sản xuất game, một trung tâm dữ liệu mới, một phác thảo về trụ sở mới đang cho sự tăng trưởng của công ty trong năm sau…".
Và xa hơn nữa, nhà sáng lập công ty đã hình dung về 10 - 15 năm sau dựa trên chính những trải nghiệm của bản thân. Điều thú vị là hầu hết những dự đoán này giờ đây đã trở thành sự thật, ví dụ như Internet đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của cả thế giới, hay việc học tập, làm việc, tương tác, giải trí… sẽ trở nên không biên giới nhờ kết nối Internet.
Nhưng ở thời điểm 2006, rất nhiều điều nghe thật sự hoang đường, ví dụ như sản phẩm của công ty sẽ vượt qua Yahoo Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin số 1 tại Việt Nam.
"Tôi tin tưởng rằng cuộc sống của 100 triệu người Việt Nam sẽ thay đổi rất tích cực như những gì đã và đang xảy ra, và bên cạnh yếu tố tăng trưởng kinh tế của một nền kinh tế đang "hóa rồng", một yếu tố vô cùng quan trọng khác làm nên sự thay đổi sẽ là mạng Internet.
Trong tương lai, học tập, làm việc, giải trí, giao tiếp, tương tác… tất cả những mảnh khác nhau của cuộc sống có yêu cầu đến thông tin hay kết nối thông tin sẽ được kết nối với nhau qua Internet.
Một yếu tố đặc biệt hơn là những người đang trải nghiệm sự thay đổi này là những người rất trẻ, dễ dàng học hỏi và sử dụng kỹ thuật mới cũng như chấp nhận sự thay đổi: 70% dân số Việt Nam năm 2006 có độ tuổi dưới 30.
Và để trả lời câu hỏi muốn làm gì trong tương lai, chúng tôi muốn đóng góp một phần trong sự thay đổi tích cực đang diễn ra từng ngày tại Việt Nam thông qua việc phát triển thị trường dịch vụ Internet.
Trong bản kế hoạch 2007 của VinaGame, các đối thủ cạnh tranh số 1 là những đại gia Internet của thế giới. "Trong thời đại cạnh tranh không biên giới này, những người trẻ tại VinaGame có một khát vọng muốn được tạo ra những sản phẩm mới với những giá trị tích cực phục vụ thị trường Internet rộng lớn tại Việt Nam, một thị trường với 30 triệu người trong 5 năm tới", ông Minh khẳng định.
Tạo ra những sản phẩm cho hàng chục triệu người dùng
Đến năm 2023, cuối cùng thì tham vọng "điên rồ" của VNG đã trở thành hiện thực: Ứng dụng nhắn tin quốc dân Zalo do họ phát triển có 77 triệu người dùng thường xuyên.
Như chính ông Minh nhận định, bài viết "Tôi chơi và làm game" của năm 2006 đã đặt nền móng cho sứ mệnh của VNG trong giai đoạn 2007 - 2019: "Dùng Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam". "Chúng tôi mơ sẽ tạo ra những sản phẩm cho hàng chục triệu người dùng, cạnh tranh với những tên tuổi lớn nhất thế giới tại thị trường Việt Nam và cùng nhau tạo dựng một công ty Internet thành công.
Hiện tại, dù vẫn còn nhỏ bé khi so sánh với những công ty công nghệ lớn khác trong khu vực và trên thế giới, nhưng chúng tôi vẫn tự hào khi đã hiện thực hóa được giấc mơ lãng mạn này".
Và giờ đây, dù không còn là những chàng trai 20 tuổi (mà là cuối 4X, sắp sửa sang 5X), họ lại tiếp tục những giấc mơ lãng mạn mới: Trở thành công ty công nghệ toàn cầu có trụ sở tại Việt Nam, mang sản phẩm và dịch vụ Việt Nam đi chinh phục thị trường quốc tế, mang doanh thu từ quốc tế về trong nước.
Đọc thêm bài viết của CEO Lê Hồng Minh tại: "CEO VNG Lê Hồng Minh: Tôi chơi và làm game online".