CEO Hòa Phát trả lời về thông tin mỗi lãnh đạo nhận thưởng 75 tỷ đồng

22/04/2021 12:15

Trước thông tin với 3 thành viên ban điều hành, mức thưởng 225 tỷ đồng chia cho 3 thì mỗi người sẽ được 75 tỷ đồng, ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc Hòa Phát - đã lên tiếng phủ nhận.

Nhiều câu hỏi của cổ đông cũng được giải đáp tại phiên họp thường niên của Tập đoàn Hòa Phát đang diễn ra.

CEO Hòa Phát trả lời về thông tin mỗi lãnh đạo nhận thưởng 75 tỷ đồng - 1

Toàn cảnh phiên họp cổ đông của Hòa Phát đang diễn ra (Ảnh: Tiến Tuấn).

Họp đại hội cổ đông của Hòa Phát (mã: HPG) diễn ra sáng 22/4. Phiên họp diễn ra lúc 8h30 sáng nhưng đến 9h, phía bên ngoài vẫn còn rất nhiều cổ đông đứng xếp thành hàng dài để vào hội trường.

Hội đồng quản trị Hòa Phát trình cổ đông tờ trình bầu 7 thành viên Hội đồng quản trị và 4 người vào Ban Kiểm soát. Trong số nhân sự được bầu cử vào Ban Kiểm soát có một thành viên mới là bà Thái Thị Lộc. Bà Lộc sinh năm 1993 tại Nghệ An, được giới thiệu bầu bổ sung.

Lý lịch của ông Hoàng Công Việt, một ứng viên được bầu vào HĐQT là trường hợp được một cổ đông quỹ đầu tư đứng lên chất vấn. Cụ thể, cổ đông này đặt câu hỏi: Ông Việt hiện làm Chủ tịch HĐQT khá nhiều công ty khác và danh sách doanh nghiệp này có công ty nào Hòa Phát sở hữu vốn, có quan hệ kinh doanh với Hòa Phát hay không? Đại diện Hòa Phát cho biết ông Hoàng Công Việt hiện là lãnh đạo trong công ty con của Hòa Phát. Còn danh sách doanh nghiệp liên quan đến ông Việt không có bất cứ công ty nào có quan hệ giao dịch với Hòa Phát.

Một trong những điểm đáng chú ý tại phiên họp cổ đông 2021 của Hòa Phát là bớt thời gian đọc các tờ trình. Do đó, cổ đông có nhiều thời gian hơn để có thể trao đổi các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp cũng như các mối quan tâm với doanh nghiệp.

Cổ đông chất vấn về Dung Quất 2, làm container, bất động sản

Một cổ đông đề xuất Hòa Phát thu mua công ty quặng sắt. Cổ đông này cũng đặt vấn đề về việc công ty quyết định làm container. "Mảng này thường nằm trong chuỗi giá trị của một công ty vận tải biển. Hòa Phát có tự tin vào đầu ra của container không. Hòa Phát có gia nhập sản xuất ô tô không cũng là vấn đề mà cổ đông", này đặt ra.

Với 8 câu hỏi, cổ đông khác đặt ra vấn đề về việc xin giấy phép Dung Quất 2; cơ cấu vốn của dự án này ra sao; vì sao đầu tư Dung Quất 2 tăng 10.000 tỷ đồng so với giai đoạn 1 trong khi hạ tầng đã xong; kế hoạch đầu tư nâng công suất sản xuất ống thép, tôn mạ, mảng nông nghiệp; kế hoạch vốn để mở rộng Dung Quất 2 cũng như thu xếp thế nào; tình hình thoái vốn mảng nội thất; cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2021.

CEO Hòa Phát trả lời về thông tin mỗi lãnh đạo nhận thưởng 75 tỷ đồng - 2

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, và ban lãnh đạo tập đoàn (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cổ đông khác là bà Lê Thị Hương đặt 2 câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là giá trị quặng tăng thì Hòa Phát làm gì để gia tăng, có định hướng gì với việc phát triển sản phẩm mang tính giá trị gia tăng có biên lợi nhuận cao so với sản phẩm thô. Câu hỏi thứ hai, bà đặt lại vấn đề triển vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế mảng này thế nào.

"Dự kiến công ty chia cổ tức 35% thì cũng là giữ gìn và dè dặt chứ khả năng có thể chia 40-45%, vì tăng 5% so với năm 2019 là bù lại cho 2019 chứ không phải sự gia tăng của 2020 và 2020. Cổ đông đề nghị HĐQT nghiên cứu động viên nhà đầu tư vì nhà đầu tư rất yêu cổ phiếu HPG", bà nói.

Cổ đông tên Đức Trí mong cổ đông cho lãnh đạo Hòa Phát một tràng pháo tay vì những nỗ lực và kết quả thời gian vừa qua. "Vừa rồi có kiến nghị chủ thầu liên quan giá thép tăng quá, họ kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương điều chỉnh, bảo toàn giá thép. Các kiến nghị đó có ảnh hưởng biên lợi nhuận gộp của công ty hay không. Cổ đông đặt câu hỏi về kế hoạch phòng vệ để đảm bảo đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế. Cổ đông này kỳ vọng cổ phiếu Hòa Phát đạt mốc giá 3 con số năm 2021.

Đọc báo cáo thường niên, cổ đông cho biết công ty có đầu tư bất động sản và đặt câu hỏi mảng này. "Chính Chủ tịch bảo mảng bất động sản hơi yếu, có ý định quay lại bất động sản nhà ở không?", cổ đông nói.

Cũng có cổ đông đặt câu hỏi về vấn đề thù lao cho Ban điều hành Hòa Phát và cho rằng 5% phần vượt lợi nhuận sau thuế (hơn 225 tỷ đồng) là hơi cao. "Tất nhiên mong như vậy nhưng ở mức độ nào. Tôi nghĩ đầu 2020 rõ ràng Covid-19, các vấn đề có thể bị cách ly bất cứ lúc nào nên việc đặt kế hoạch cao thì rất khó. Nếu điều kiện thuận lợi cũng cần có giai đoạn nhìn lại và điều chỉnh chăng", cổ đông này nói.

Trước đó, Nghị quyết HĐQT của Hòa Phát về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 và phương án chia cổ tức 2020 có nội dung dành 81 tỷ đồng để trả thù lao cho các thành viên HĐQT và khoảng 225 tỷ đồng trích quỹ khen thưởng cho Ban điều hành. Có ý kiến cho rằng với 3 thành viên trong ban điều hành thì mỗi người sẽ nhận về mức thưởng bình quân 75 tỷ đồng - mức kỷ lục.

"Về cơ cấu nợ, với kế hoạch tăng lợi nhuận 2021 thì ban lãnh đạo có kế hoạch trả bớt nợ để vay mới trong kế hoạch hay không. Vay nợ mới với số tiền lớn cho Dung Quất 2 thì có mạo hiểm không? Phần nợ làm Dung Quất 2 sẽ phân bổ theo thực tế dự án 3 năm hay ghi nhận năm 2022 luôn?", một cổ đông đặt vấn đề.

CEO Hòa Phát trả lời về thông tin mỗi lãnh đạo nhận thưởng 75 tỷ đồng - 3

Ông Trần Đình Long cho biết cổ đông không cần lo lắng về việc dùng đòn bẩy tài chính tại Hòa Phát (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chủ tịch Hòa Phát: Không mua mỏ sắt bằng mọi giá chỉ vì Hòa Phát làm thép

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, lần lượt trả lời câu hỏi của cổ đông. Theo ông, cổ đông hỏi đến 8 câu hỏi nên khá là tâm huyết. Kết quả kinh doanh quý I/2021 của Hòa Phát, ông Long cho biết 2 tháng đầu năm dính Tết nên tương đối chậm. Tháng 3 thì tốt hơn. Theo quy định, cuối tháng 4 mới phải công bố nhưng 31.000 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng trong đó có 6.500 tỷ đồng lợi nhuận thuần túy kinh doanh, 500 tỷ đồng từ bán công ty nội thất.

Liên  quan đến việc xin không phải chào mua công khai, ông Long cho biết không phải.

"Gia đình tôi hàng năm được chia cổ tức và có tiền. Nhiều lần đã cam kết không bán cổ phiếu. Bản thân tôi và gia đình mong muốn tăng sở hữu của  mình lên thì việc đó theo tôi là hợp lý. Cổ đông nhỏ lẻ sợ chủ bán đi, tôi không bán đi mà còn mua thêm", ông Long nói và mong cổ đông ủng hộ. Mỗi lần xin thì thủ tục phức tạp. Cách đây nửa năm ông định mua thêm nhưng khi hỏi ban pháp chế thì thấy mất thời cơ. Luật cho phép nhưng ông Long cho biết xin cổ đông chứ không có uẩn khúc gì trong vấn đề chào mua này.

"Tôi cũng không phải người đầu tiên mà trên TTCK nhiều cổ đông lớn cũng xin cổ đông chào mua công khai. Tôi nghĩ đó là việc tốt", ông Long nói.

Một câu hỏi theo ông Long đánh giá là thú vị cũng được ông Long ưu tiên trả lời. Ông cho biết sẽ cố gắng làm trong những mảng mà Hòa Phát phát huy được lợi thế. Về việc mua mỏ, ông cho biết nếu mua thì hiện tại rất thuận lợi. Nói thô hơn là mua mỏ làm quặng cho mình dùng thì tốt nhưng không dứt khoát phải mua mỏ. Nếu mua thì mua để hoàn thiện hơn chứ mua mỏ là một nhiệm vụ kinh doanh thì phải tính đến yếu tố có lợi.

"Nguồn quặng thế giới nhiều lắm, không nên áp tư duy cũ có mảng thép thì phải mua", ông nói và cho biết hiện đã thành lập bộ phận nghiên cứu, thương thảo để đàm phán mua mỏ quặng sắt tại Úc, Nam Phi… nhằm tối ưu hóa hệ sinh thái nhưng không phải mua vì Hòa Phát có nhà máy thép mà là để hướng đến kinh doanh có lợi nhuận.

Về câu hỏi liên quan container, ông Long cho hay cũng không dứt khoát phải ở ngành vận tải biển, logistics… thì mới cần làm container. Ông nói hiện Trung Quốc chiếm hơn 90% sản xuất container trên thế giới. Thế giới có 3 triệu container thì Trung Quốc làm ra 2,7-2,8 triệu và nhiều doanh nghiệp không trong ngành này. Có nhiều yếu tố thuận lợi để Hòa Phát làm container: 60-70% tùy thời điểm giá thành container phụ thuộc thép mà lại là sản phẩm thép đặc biệt, kháng thời tiết.

"Không phải Hòa Phát tài cán hay nhiều tiền gì cả", ông khẳng định chỉ công ty ông làm được. Thứ hai, ông cho hay hiện có quá trình chuyển dịch lớn, sau khi Trung Quốc lại thành nước phát triển thì đang thiếu lao động, đặc biệt trong ngành sử dụng nhiều lao động không cần sử dụng chất xám nên mặt mạnh thứ 2 không phải của Hòa Phát mà của toàn Việt Nam, khi có chi phí sản xuất đang thuộc hàng tốt nhất. Thứ ba là nhu cầu container tăng nhanh nên Hòa Phát chuyển sang làm container. "Thuận lợi là rất nhiều, là cơ bản", Chủ tịch Hòa Phát nói. Nếu làm đúng mục tiêu 500.000 container thì cũng tiêu thụ được lượng lớn thép của Dung Quất.

Về dự án Dung Quất 2, ông Long nói đã nằm trong kế hoạch phát triển 10 năm của Hòa Phát và làm tương đối thuận lợi trong giai đoạn này. Tổng nhu cầu HRC năm 2020 là 12 triệu tấn, tăng 10% một năm. Hòa Phát và Formosa làm được khoảng 8 triệu nên mới quyết định đầu tư Dung Quất 2.

"Đầu ra vẫn rất tốt, nên cổ đông yên tâm", ông nói. Tổng đầu tư tăng là bình thường. 70-80% đầu tư vào Dung Quất 2 là sắt thép. Giá thép tăng thì đầu tư 70.000 tỷ đồng có khi còn chưa đủ. Hiện làm 100% thép nguội cán nóng nên đầu tư rất nhiều. "Chúng tôi vừa xin tỉnh làm cảng mới, chứ cảng cũ là không đủ. 70.000 tỷ đồng vốn cố định và 15.000 tỷ đồng vốn lưu động", ông hé lộ con số đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng Công ty sản phẩm thép,  trả lời phần thông tin về ống thép, tôn mạ màu. Năm 2020, sản lượng ống thép đạt 822.000 tấn, đặt mục tiêu 920.000 tấn năm 2021.

Ông cho biết sẽ liên tục đầu tư chiều sâu cho các nhà máy sản xuất ống thép. Cuối 2021, sản lượng, công suất tăng lên 1,3 triệu. Công ty có kế hoạch xây nhà máy mới trong Long An và là kế hoạch trung hạn khoảng 4 năm. Về tôn, công suất kế hoạch là 400.000 tấn, đến nay đạt 320.000 tấn. Quý I/2021, xuất khẩu với Mỹ, Canada, Mexico… tốt với tôn mạ màu. Xuất khẩu tôn so với nội địa đang đạt tỷ lệ 60:40.

"Với tập đoàn sản xuất công nghiệp nặng thì tỷ lệ cán bộ nữ cũng nhiều. HĐQT chưa có do đặc thù công việc thôi", ông Trần Đình Long đáp lại câu hỏi liên quan đến giới tính tại HĐQT Hòa Phát.

Về M&A bất động sản, ông Long nói không ai làm thép mãi được. Khi hoàn thành Dung Quất 2 thì đạt trên 200.000 tỷ đồng doanh thu. "Sớm muộn cũng phải đa ngành. Nhưng cách đi với bất động sản là đi tìm tại các địa phương để phát triển từ đầu, lâu nhưng giá vốn thấp. Chúng ta vẫn tìm M&A nhưng không bằng mọi giá, đến hôm nay chưa M&A cái nào cả", lời ông Long.

CEO Hòa Phát trả lời về thông tin mỗi lãnh đạo nhận thưởng 75 tỷ đồng - 4

Ông Trần Tuấn Dương cho hay mức 225 tỷ đồng chia thưởng không phải chỉ cho 3 người trong Ban tổng giám đốc (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương: 225 tỷ đồng không phải chỉ cho mấy lãnh đạo Hòa Phát

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát, trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến vấn đề môi trường. Ông nói không thể phủ nhận sản xuất công nghiệp nặng thì ảnh hưởng lên môi trường và không tránh được, vấn đề là xử lý và giảm thiểu như thế nào. Công ty dành 35% vốn để xử lý các vấn đề môi trường, đảm bảo quy định pháp luật. 1 tấn thép sản xuất ra phát thải 1,8-2 tấn CO2 nhưng của Hòa Phát nhỏ hơn, dùng nhiệt dư để giảm phát thải và đang "kiểm soát tốt".

Ông Đoàn Gia Cường trả lời câu hỏi về kế hoạch tăng trưởng.

Dự kiến 5 năm tới phát triển doanh thu gấp 2 lần so với 2021. Về lợi nhuận thì kế hoạch được đưa ra thận trọng vì nông nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố. Kế hoạch năm 2021 là 1.700-1.800 tỷ đồng. Sản lượng thức ăn chăn nuôi được đặt mục tiêu 850.000 tấn, 250.000 con bò, 300 triệu quả trứng, 780.000 con lợn thành phẩm.

"Thép là đầu ra của Hòa Phát nhưng là đầu vào của ngành xây dựng nên việc các bộ ngành kiến nghị về giá thép cũng bình thường", ông nói và cho biết điều này không ảnh hưởng biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát. Nếu tăng giá không phải do độc quyền hay bất thường thì không vấn đề và kiến nghị cũng không ảnh hưởng gì kết quả kinh doanh của Hòa Phát vì kinh tế phục hồi, nhu cầu về thép đang tăng cao, theo ông Long.

"Giá quặng giảm thì sao", ông Long nhắc lại câu hỏi và nói "khó quá". Ông nói nếu giá giảm thì cũng phải cố gắng để là người cuối cùng chịu thiệt hại. Hiện cơ bản thuận lợi và kết quả kinh doanh quý II có thể tốt hơn quý I nhưng không có nghĩa là cứ nhân 4 quý lên là ra 25.000 tỷ đồng. "Khi nhà nhà làm bất động sản, chúng tôi không lao vào bất động sản nên có nền tảng rất tốt. Nhiều người đã, đang và sẽ làm như chúng ta nhưng vẫn đang thất bại, thua lỗ. Không có nghĩa là toàn thuận lợi đâu", ông nói.

Về khen thưởng ban điều hành, ông Long nói quan điểm cá nhân không thể giảm. Vì số đó là một dạng đầu tư chiều sâu, lo cho cán bộ nhân viên phần phúc lợi. Lo cho đi du lịch, triển lãm nhiều. Hiếm tập đoàn nào trưởng bộ phận và cả gia đình được cho đi du lịch châu Âu.

"Tôi có ngồi đây thì cũng phải cầm cán cân, chứ ra được lợi nhuận có mấy phần, trong đó có người lao động. Tôi tôn trọng chị nhưng theo tôi phần này không nhiều mà thậm chí phải tăng thêm", ông Long nói. Ông Trần Tuấn Dương bổ sung: Cần đính chính là thưởng đó là thưởng ban điều hành hơn 200 tỷ, một số hiểu không rõ thì Ban điều hành khoảng 4-5 người, chia ra là cao. Nhưng riêng ban giám đốc công ty mẹ, con, cháu là 40 người, có khi tính đủ còn 200 người chứ không chỉ có anh Dương, mấy người nữa hưởng hơn 200 tỷ đồng.

Về cơ cấu nợ, dùng đòn bẩy tài chính, ông Long trấn an cổ đông là yên tâm. Vay ròng trên vốn chủ sở hữu 50:50 với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là an toàn. "Có ngân hàng còn nói với tôi Hòa Phát dùng đòn bẩy tài chính dè dặt quá. Thông thường tỷ lệ là 30:70, 20:80 nên mức 50:50 của chúng tôi là còn thấp", ông bày tỏ.

Về cơ cấu của Dung Quất 2, ông Long nói vì yêu cầu bảo mật thông tin nên không công bố nhưng đã thảo luận 2 ngân hàng lớn và họ sẵn sàng cho vay. Với 70.000 tỷ đồng đầu tư, thì ông Long khẳng định không cần phát hành thêm, cổ đông không cần bỏ thêm tiền. Phần vay đảm bảo, lãi suất tốt nên việc huy động vốn cho Dung Quất 2, theo ông, là "trong tầm tay".

Dân trí vẫn tiếp tục cập nhật.

Đan Anh 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
CEO Hòa Phát trả lời về thông tin mỗi lãnh đạo nhận thưởng 75 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO