Cầu vòm thép Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thông xe từ tháng 9/2022. Cầu (có lan can màu xanh) nằm giữa các trụ cầu của đường Vành đai 3 trên cao vượt hồ Linh Đàm, nối đường Nghiêm Xuân Yêm với đường Bằng Liệt.
Cầu có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, phục vụ phương tiện xe máy, cấm ô tô, xe đạp và người đi bộ. Công trình được kỳ vọng sẽ giảm tải giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm.
Theo ghi nhận của PV, dù đã hoạt động được một thời gian dài nhưng phương tiện lưu thông tại đây là khá vắng vẻ, nhiều thời điểm trong ngày không có một bóng xe qua lại.
Ngay cả vào giờ cao điểm cũng không có quá nhiều phương tiện lựa chọn việc đi trên cây cầu trị giá 65 tỷ đồng.
Lý giải về việc cầu vòm thép 65 tỷ đồng vắng người qua lại, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, việc đầu tư xây cầu được "dự báo theo nhu cầu của tương lai", đặc biệt là khu vực Hoàng Mai, Linh Đàm với dự báo phát triển dân số rất lớn trong thời gian tới.
Tại khu vực lối dẫn vào 2 đầu cầu được bố trí 2 nút đèn giao thông khiến nhiều người ngại phải chờ đợi, việc lên cầu cũng không thực sự thuận tiện khi bị cắt ngang bởi làn ô tô.
Theo người dân, lý do vì vị trí đặt cầu nằm dưới đường vành đai 3 với hành trình di chuyển xa hơn đường bên ngoài, khó tiếp cận, chưa kể phía bên ngoài đã có 2 đường nhánh vượt hồ.
Khung cảnh trái ngược khi làn đường trong cầu không bóng xe cộ, trong khi đó tấp nập phương tiện lưu thông 2 làn bên ngoài.
Cây cầu được người dân tận dụng trở thành nơi đạp xe, đi bộ tập thể dục dù tấm biển báo cấm xe đạp, người đi bộ xuất hiện ở 2 đầu cầu.
Theo một người dân sinh sống gần khu vực cầu chia sẻ: "Mỗi buổi sáng tôi đều đi tập thể dục từ 4h30, bởi khu vực cầu rất ít phương tiện đi lại, lại khá mát mẻ nên tôi chọn tập thể dục ở đây".
Cũng theo người dân này, việc vắng vẻ xe cộ trên cây cầu này cho thấy nó rất lãng phí, thậm chí rác cũng khá nhiều mà không có người dọn dẹp.
Rác thải bủa vây nhiều khu vực xung quanh gầm cầu gây mất mỹ quan.
Cây xanh dọc lối dẫn vào cầu héo úa, chết dần do không được chăm sóc.
Khu vực đầu cầu được tận dụng trở thành nơi đỗ xe, thậm chí một số phương tiện còn đỗ dưới lòng đường.