ATM gạo của bà con dân tộc thiểu số
Từng người một bước đến trước cánh cửa sổ. Mỗi người, tay cầm chiếc bao đưa vào ống nhựa. Một chị trong nhóm thiện nguyện bấm máy. Gạo trong ống nhả vào bao. Xong một suất, người nhận cầm túi gạo lui ra với nụ cười thật tươi. Sau đó, người khác tiến vào.
Máy ATM gạo gọn gàng đơn giản.
Cứ thế, cây ATM tiếp tục nhả gạo. Khác với ở thành phố, đa số bà con đến nhận đều là phụ nữ và mang theo con nhỏ. Đứa trên tay, đứa tung tăng bên mẹ. Mái tóc chúng vàng hoe, nước da ngăm đen và giọng nói líu lo.
Bà con đến nhận gạo, trang phục đa phần sặc sỡ nhưng không diêm dúa. Những người lớn tuổi đều quấn khăn trên đầu. Mùa dịch, ai nấy đều có khẩu trang.
Một vài tiếng nói vang lên. Tôi hỏi một người đàn ông đứng gần. Anh cho biết, bà con đến nhận gạo hôm nay đa số là người dân tộc S’Tiêng nghèo khổ. Trải qua mùa dịch kéo dài, cuộc sống của họ càng khốn khó hơn. Thấy chúng tôi còn ngơ ngác, anh giải thích tiếp, ở xã Xuân Hưng có 2 dân tộc thiểu số sinh sống. Đó là người S'Tiêng và người Chăm. Họ sinh sống tại vùng đất này khá lâu, trải qua nhiều thế kỷ nên có thể xem họ như người bản địa.
Người đên nhận gạo chủ yếu là bà con người S'Tiêng.
Cũng như bao dân tộc khác, người S'Tiêng chỉ biết đổ mồ hôi đổi bát cơm. Họ làm buổi sáng ăn buổi chiều nên cuộc sống rất bấp bênh. Những ngày dịch như vừa qua, họ phải đối mặt với cái đói.
Đã có hơn 10 người được nhận gạo. Cầm bịch gạo trên tay, chị Thị Út 37 tuổi, có chồng, 2 con cho biết, chị và gia đình rất cám ơn nghĩa cử của những người thiện nguyện. Cả hai vợ chồng chị đều đi làm thuê. Suốt mùa dịch không có việc làm nhưng cũng may, có những bữa ăn từ thiện, những gói quà cứu đói và hôm nay, có gạo cũng đỡ nhiều lắm.
Chúng tôi hỏi thăm một người phụ nữ có tên Thị Kim còn rất trẻ đứng trong hàng. Kim người gầy, ăn mặc giống người Kinh, chỉ khác giọng nói, giọng của Kim còn lờ lợ. Hoàn cảnh của Kim khá đáng thương. Kim kể: 'Cha mẹ con mất sớm. Năm ngoái con lấy chồng và sinh được một bé gái. Con được 6 tháng, chồng bỏ đi. Hiện giờ một mình con phải nuôi con dại'.
Kim hiện là công nhân may trong khu công nghiệp ở huyện Xuân Lộc. Thu nhập của Kim cũng khá. Những tháng mang thai không tăng ca, thu nhập của Kim được 4,2 triệu.
Khi dịch diễn biến phức tạp, xí nghiệp cho công nhân nghỉ việc không lương. Mọi sinh hoạt của Kim đều nhờ vào chị hàng xóm tốt bụng. Kim cho biết thêm, vài ngày nữa sẽ đi làm. 'Cháu nhỏ con sẽ gửi cho xơ ở nhà thờ và con sẽ cố gắng làm việc để cho con của con có tương lai hơn'.
Mong muốn được lan tỏa
Cây ATM vẫn tiếp tục nhả gạo. Những bịch gạo mang nặng nghĩa tình được bà con trân trọng mang về.
Chị Hiền, 27 tuổi có chồng, 2 con tâm sự với chúng tôi, chị rất ái ngại khi phải đến nhận gạo từ thiện. Chị nói, những khoản từ thiện nên dành cho người già, người khuyết tật không thể mưu sinh hàng ngày được. Vợ chồng chị còn trẻ nhưng thời gian qua, cả nhà chỉ trông vào khoản thu nhập của chồng - 170.000đ/ngày. Hiện vì dịch bệnh nên anh không có việc làm, chị đành phải đến cùng bà con nhận gạo. Chị cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người làm công việc từ thiện.
Cây ATM gạo này được thực hiện bởi nhóm 'Thiện nguyện Xuân Lộc' gồm những thành viên trẻ với mục đích lan tỏa yêu thương. Trưởng nhóm là một thầy giáo trẻ - anh Phùng Ân Hưng 33 tuổi, một người con của đất Xuân Hưng.
Qua trao đổi, anh Hưng cho biết, anh là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên anh biết rất rõ đời sống bà con nơi đây. Vì thế, sau khi làm nhiều chuyến công tác từ thiện ở các địa phương khác, anh trở về đây cùng với nhóm lập ra cây ATM để hỗ trợ bà con trong cơn hoạn nạn.
Tất cả mọi công đoạn cùng vốn liếng làm nên cây ATM này đều từ bàn tay của những người bạn trẻ. Họ đã miệt mài trong 3 ngày thì xong cũng kịp lúc gạo của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân khắp nơi về đến.
Đặc biệt, trước giờ ATM nhả gạo, chúng tôi cùng vợ chồng anh mang 10 phần quà đến những gia đình khốn khó nhất.
Trong số đó, chúng tôi không sao quên được những giọt nước mắt của chị Hoàng Thị Xuân 50 tuổi bị khuyết tật bẩm sinh bởi chất độc da cam. Chị phải đi bằng xe lăn và nói rất khó nghe. Gia đình chị ở Quảng Trị lưu lạc tới vùng đất này.
Mười mấy năm đi ăn xin về nuôi con, đến nay chị không còn khả năng cho con học tiếp lớp 9. Cháu nghỉ học ở nhà mà vẫn chưa giúp gì được cho mẹ. Chị ôm gói quà vào lòng và chỉ bập bẽ đôi tiếng cảm ơn.
Người dân đi nhận gạo về.
Phát biểu trong buổi khai mạc cây ATM, ông Trần Đình Lai, Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng bày tỏ, trong thời gian qua do dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến kinh tế địa phương, đưa các hộ gia đình vào hoàn cảnh khó khăn. Đây là lần đầu tiên tại xã có một cây ATM gạo để giúp giảm bớt khó khăn cho bà con.
Nhóm Thiện nguyện Xuân Lộc đã có những việc làm đầy tính nhân văn và nhiều ý nghĩa. Ông cũng bày tỏ mong muốn những việc làm thiện nguyện này sẽ tiếp tục lan tỏa nhằm giúp bà con bớt đi những khó khăn trong cuộc sống.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 28/04/2020
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/cay-atm-gao-tuon-chay-o-vung-que-nhieu-dong-bao-thieu-so-636833.html?fbclid=