Vũ khí có khả năng thay đổi cuộc chơi?
Bom hạt nhân B61-12 là phiên bản cải tiến thứ 12 của dòng bom hạt nhân B61 đã phục vụ Không quân Mỹ từ thập kỷ 1960. Điểm khác biệt của dòng bom hạt nhân này là tùy thuộc vào đầu đạn hạt nhân trang bị nó có thể là vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí chiến lược với đương lượng nổ mang tương ứng từ 5 đến 100 kiloton.
Điểm đặc biệt của bom B61-12 là vũ khí thông minh, có khả năng tấn công chính xác cao nhờ hệ thống dẫn đường tự động. Điều này giúp máy bay mang nó có thể tấn công mục tiêu ở ngoài ô phòng không của đối phương.
Giáo sư Vadim Kozyulin từ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga đánh giá, điểm mới lạ chính của B61-12 là khả năng cơ động. Phần đuôi của quả bom được trang bị thiết bị dẫn đường, hệ thống dẫn đường tự động và cánh lái giúp nó có khả năng hoạt động theo nguyên tắc “ném và quên”.
Bom hạt nhân B61-12 - Vũ khí nguy hiểm của Mỹ triển khai tại châu Âu. Ảnh: Getty |
Nhờ đó, bom B61-12 không còn phải thả bằng hệ thống dù hãm, mà máy bay ném bom chỉ cần bay lên độ cao cao nhất và thả nó để quả bom chỉ cần tự động bay về phía mục tiêu theo các định vị đã được cài đặt trước đó.
Bom B61-12 có thể trang bị trên máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit và B-21 Raider hoặc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35. Dù không có các thông tin cụ thể, nhưng nhiều khả năng bom B61-12 có thể được triển khai tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Büchel (Rhineland-Palatinate ở Đức), Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) và Aviano (Italia), còn trong tương lai là ở Ba Lan và Phần Lan.
Sự nguy hiểm của bom B61-12 không chỉ nằm ở việc nó là vũ khí hạt nhân, mà do loại vũ khí này “mập mờ” giữa phân cấp vũ khí chiến thuật và vũ khí cấp chiến lược. Vấn đề này khiến bom B61-12 không bị ràng buộc bởi các hiệp ước quốc tế và tạo ra nguy cơ hạ cấp mức độ xung đột có thể sử dụng vũ khí hạt nhân hay yếu tố quan trọng thay đổi cuộc chơi trong các cuộc xung đột cục bộ trong tương lai.
Và việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật như bom B61-12 trong các cuộc xung đột và chiến tranh cục bộ có thể tạo tiền lệ để cường quốc hạt nhân khác sử dụng đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp ở châu Á, châu Âu hay bất kỳ chiến trường nào.
"Việc sử dụng vũ khí hạt nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Quân đội Mỹ muốn phá hủy toàn bộ hệ thống phòng không của Iraq bằng cách kích nổ một quả bom hạt nhân hiệu suất thấp trên không và tạo ra xung điện từ phá hủy các hệ thống liên lạc và radar. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tính toán rằng, điều này sẽ tạo tiền lệ để Nga cũng sẽ triển khai một quả bom điện từ trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Chính vì thế, Bộ chỉ huy Liên quân Mỹ đã hủy bỏ ý tưởng có phần điên rồ này”, nhà phân tích quân sự Nga Viktor Litovkin đánh giá.
Điều này đang gây lo ngại trong số các chuyên gia quân sự Nga là học thuyết răn đe hạt nhân mới của Mỹ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong các cuộc chiến tranh cục bộ khi Washington cảm thấy cần thiết.
"Điều này rất nguy hiểm", chuyên gia Viktor Litovkin nhấn mạnh. Theo lời chuyên gia này, Mỹ có thể tiếp tục giảm hiệu suất công phá của bom B61-12 xuống thấp hơn nữa khiến nó giống một loại vũ khí tấn công thông thường hơn và khó bị phát hiện hơn.
"Bom B61-12 có thể được giảm khả năng công phá xuống mức tối thiểu, tương đương 300 tấn thuốc nổ TNT. Sức mạnh này tương đương khoảng 2% quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nhật Bản”, ông Viktor Litovkin nhận định.
Nga đang ngồi yên?
Là một siêu cường quân sự và hạt nhân, Nga chắc chắn sẽ có những phương án đáp trả tương xứng với việc Mỹ triển khai bom hạt nhân thông minh hay đưa vũ khí hạt nhân áp sát lãnh thổ Nga.
Tại cuộc xung đột ở Ukraine, Quân đội Nga đã sử dụng rộng rãi các loại bom lượn sử dụng module dẫn đường và hiệu chỉnh (UMPK) để biến bom thông thường thành bom lượn chính xác. Moscow hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ này với bom hạt nhân để biến nó trở thành vũ khí tấn công chính xác cao.
Xung đột tại Ukraine đã giúp Nga hoàn thiện công nghệ hoán cải bom thông thường thành bom lượn chính xác cao. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Cùng với đó, Nga có thể tăng cường triển khai tên lửa chiến thuật Iskander-M tới vùng Kaliningrad và cung cấp vũ khí hạt nhân cho Belarus để làm đối trọng với các động thái từ Mỹ và NATO.
Giáo sư Vadim Kozyulin đánh giá: "Yếu tố răn đe của vũ khí hạt nhân giúp giới chính trị gia hành động hợp lý hơn là theo cảm tính".
Trong suốt cả thập kỷ qua, quân đội Nga đã nâng cấp kho vũ khí hạt nhân với hàng loạt vũ khí đáng gờm, có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa như tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava, Sarmat hay tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik. Về cơ bản, Quân đội Nga hiện có khả năng răn đe hạt nhân toàn cầu với các loại vũ khí chiến lược mới và vũ khí siêu vượt âm không có đối thủ.
Tên lửa chiến thuật Iskander-M với khả năng mang đầu đạn hạt nhân được coi là vũ khí răn đe hiệu quả đối với Mỹ và NATO tại châu Âu. Ảnh: Lenta |
"Các tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M đã được triển khai tại Kaliningrad và Crimea hoàn toàn vô hiệu hóa mối đe dọa từ các căn cứ không quân của Mỹ tại châu Âu. Ngoài ra, các tổ hợp phòng thủ tên lửa S-500 Prometey có khả năng đánh chặn các tên lửa siêu vượt âm đang được đưa vào trang bị sẽ là những con bài đáng gờm với bất kỳ đối thủ nào", nhà phân tích quân sự Viktor Litovkin lưu ý.
TUẤN SƠN (theo Topwar, vpk)