Cầu thủ Việt kiều thể hiện thế nào ở đội tuyển Việt Nam?

AN NGUYÊN| 06/12/2023 17:55

Không dưới 70 cầu thủ Việt kiều đã thử sức tại V.League trong 20 năm qua, nhưng chỉ một số ít trong số đó từng được trao cơ hội ở đội tuyển Việt Nam.

Cầu thủ Việt kiều thể hiện thế nào ở đội tuyển Việt Nam?
Đặng Văn Lâm, Filip Nguyễn và Mạc Hồng Quân là những cầu thủ Việt kiều chứng minh được năng lực. Ảnh: Minh Phong

Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm là "của hiếm"

Đặng Văn Lâm được gọi lên tuyển Việt Nam bắt đầu từ năm 2016. Trong 7 năm qua, Văn Lâm cũng từng trải qua 2-3 lần trắc trở trong việc chứng minh và giữ được vị trí số 1 trong khung gỗ đội tuyển quốc gia. Con số 42 lần ra sân là phần thưởng cho nghị lực và sự kiên trì của thủ thành sinh năm 1992.

Một cầu thủ Việt kiều khác cũng từng được thi đấu trong màu áo tuyển Việt Nam nhiều lần là Mạc Hồng Quân. Sau cái gật đầu theo lời để nghị từ Cộng hoà Czech trở về quê hương năm 2013, cựu đội trưởng U17 Sparta Praha đã trải qua những cú sốc lớn tại V.League.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ mùa 2013 đến 2015, anh liên tục thay đổi câu lạc bộ từ Thanh Hóa, Quảng Nam đến Hùng Vương An Giang trước khi cống hiến dài hơi hơn trong màu áo Than Quảng Ninh và Bình Định.

Thử thách gập ghềnh ở cấp câu lạc bộ đã hun đúc ý chí và sự lỳ lợm cho Mạc Hồng Quân. Trước nhiều hoài nghi của một bộ phận khán giả, cầu thủ quê Hải Dương đã khoác áo U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam liên tục từ năm 2013 - 2017.

Theo đó, 14 trận ra sân cho các đội tuyển quốc gia chưa thể so sánh với mặt bằng chung của các tuyển thủ quốc gia. Song, nếu đối chiếu với đại đa số các cầu thủ Việt kiều khác, đó vẫn là một thành tích tốt.

Đặng Văn Lâm
Đặng Văn Lâm thành công trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Hải Anh

Ngoài Văn Lâm và Mạc Hồng Quân, Michal Nguyễn, Đặng Văn Robert và Adriano Schmidt cũng được gọi lên đội tuyển Việt Nam. Tổng số trận chơi cho đội tuyển quốc gia của 3 cầu thủ này gộp lại chỉ là… 4, nhưng ít nhất, họ cũng được ra sân và cất tiếng hát quốc ca Việt Nam. Bởi phần đông còn lại thậm chí còn chưa từng làm được điều đó…

Nhiều cầu thủ thất bại

Năm 2005, Ludovic Cassete về Việt Nam với hy vọng có thể tìm kiếm chỗ đứng trên đội tuyển quốc gia. Nhưng chỉ sau 1 tuần, anh bị cựu huấn luyện viên Edson Tavares loại thẳng tay vì chuyên môn không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Không phải cầu thủ Việt kiều nào cũng có trình độ đủ tốt để thỏa mãn kỳ vọng của huấn luyện viên cũng như người hâm mộ.

Những Keven Huy Nguyễn (Mỹ), Viktor Lê (Nga), Phạm Thanh Tiệp (Slovakia), Lương Nguyên Bảo (Czech), Nguyễn Như Đức Anh (Đức), Ryan Hà (Pháp), Steven Đặng (Mỹ), Vicent Trọng Trí (Pháp)… hay thậm chí là Martin Lò (Australia), dù được đào tạo ở những nền bóng đá phát triển hơn so với Việt Nam, nhưng thực tế họ không có chỗ đứng hoặc chỉ chơi bóng ở giải hạng thấp, phong trào tại quốc gia mà mình đang sinh sống.

Cũng vì thế mà họ trở về Việt Nam, với mong muốn tìm kiếm một bước ngoặt trong sự nghiệp. Tuy nhiên, môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở V.League không dễ dàng như cách mà nhiều cầu thủ Việt kiều suy nghĩ. Trình độ của họ chỉ ngang và thậm chí là thấp hơn so với những đồng nghiệp trong nước.

Ông Park Hang-seo, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam từng sang nước ngoài để theo dõi trực tiếp màn trình diễn của một số cầu thủ Việt kiều. Nhưng chính nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng phải thừa nhận, thực tế các cầu thủ này không hơn về trình độ so với những học trò mà ông huấn luyện lúc bấy giờ.

Ông Philippe Troussier là mẫu huấn luyện viên rất cởi mở trong việc tạo điều kiện cho cầu thủ Việt kiều chơi bóng ở cấp độ U23 và đội tuyển Việt Nam. Ông trao cơ hội cho Andrej Nguyễn An Khánh thử sức 2 lần nhưng đều không đạt.

Andrej Nguyễn An Khánh không đáp ứng được yêu cầu tại tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Troussier. Ảnh: Minh Dân
Andrej Nguyễn An Khánh không đáp ứng được yêu cầu của huấn luyện viên Troussier tại tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Dân

Trong 2 mùa giải 2023 và 2023-2024, VFF đã tạo cơ chế để các câu lạc bộ thu hút nguồn lực gốc Việt hay Việt kiều. Nhưng thực tế, những đóng góp của nhóm cầu thủ này cho câu lạc bộ chủ quản không quá lớn, nếu đối chiếu với nhóm ngoại binh và nội binh.

Một số đội bóng thậm chí còn chẳng mặn mà đến việc tuyển mộ cầu thủ Việt kiều. Viettel, Hà Nội FC, Nam Định, Sông Lam Nghệ An, Bình Dương là điển hình như thế.Có chăng, 2 trường hợp tiêu biểu nhất, khác biệt so với phần còn lại là thủ môn Filip Nguyễn của Công an Hà Nội và Patrik Lê Giang của TPHCM. Họ thật sự đóng góp lớn vào thành tích của 2 đội bóng trên những thang mục tiêu khác nhau. Và đó cũng là những gương mặt tiềm năng hiếm hoi có thể đủ lực để lên đội tuyển Việt Nam trong tương lai gần.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cầu thủ Việt kiều thể hiện thế nào ở đội tuyển Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO