Người dính tiêu cực ngày càng trẻ tuổi
Ngày 1.2, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 5 cầu thủ của câu lạc bộ Bà Rịa Vũng Tàu gồm: N.S.H - thủ môn (sinh năm 1994), L.B.G.H - tiền vệ (sinh năm 2002), P.V.P - tiền đạo, sinh năm 2004, N.Q.H - tiền vệ (sinh năm 2004) và T.K.A - tiền vệ (sinh năm 2004).
4/5 cầu thủ vừa dính tiêu cực của đội Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong lứa tuổi được triệu tập lên U23 Việt Nam. Dù vậy, nhóm này thực tế đã có nhiều thủ đoạn tinh vi để thu lợi bất chính từ các hoạt động đánh bạc trên nền tảng internet.
Đáng nói hơn, N.Q.H còn vừa có tên trong danh sách triệu tập của U23 Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Troussier. L.B.G.H nhiều năm tập luyện ở lớp dự tuyển của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), từng có tên trong danh sách đội U17 Việt Nam và U19 Việt Nam.
Nhìn rộng ra nhiều vụ việc dàn xếp tỉ số, đánh bạc gần đây, các cầu thủ vi phạm vẫn còn rất trẻ. Ngay khi giải hạng Nhất năm nay đang diễn ra, đội Đồng Nai sa thải huấn luyện viên Nguyễn Văn Dũng và 4 cầu thủ khác vì "nghi ngờ tiêu cực". 3/4 cầu thủ này sinh năm 2002.
Cuối mùa giải trước, VFF vừa phải cấm thi đấu thủ môn Nguyễn Văn Bá (sinh năm 2001) vì nhiều hành động đáng ngờ, cố tình để thua thêm nhiều bàn ở giải hạng Nhì Quốc gia.
Ở vòng loại giải U21 Quốc gia 2020, hàng loạt cầu thủ Đồng Tháp bị cấm thi đấu vì có hành vi tổ chức, tham gia cá độ, đánh bạc tại giải U21 Quốc gia 2019, dựa vào kết quả trận đấu giữa U21 Đồng Tháp và U21 Vĩnh Long. Trong số này có Võ Minh Trọng, Trần Công Minh, Cao Tấn Hoài hay Kha Tấn Tài đều là tuyển thủ U19 Quốc gia lúc bấy giờ.
Cũng ở giải này, thủ thành Y Êli Niê - tuyển thủ U23 Việt Nam - cũng bị VFF cấm thi đấu 2 trận vì thi đấu thiếu trung thực. Tuy nhiên, người gác đền của câu lạc bộ Đắk Lắk không tham gia đánh bạc.
Nỗi lo của nhiều đội bóng
Cầu thủ của đội này bán độ, dàn xếp tỉ số, đánh bạc nhưng nhiều đội bóng khác cũng không tránh khỏi nỗi lo. Hiện nay, nhiều câu lạc bộ tại V.League vẫn thường xuyên cho cầu thủ trẻ đi "học việc" ở các đội hạng Nhất. Nhưng cũng bởi chính sách này, không ít tài năng trẻ đã "hỏng" khi không có môi trường đủ lành mạnh.
Trước cám dỗ của tiền bạc, cầu thủ trẻ dễ sa ngã. Hoặc, họ bị dụ dỗ tham gia đánh bạc, thua nhiều tiền không còn khả năng chi trả, sau đó phải làm theo lệnh của đối tượng xấu để trả bớt nợ nần.
Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo của một đội bóng tại V.League nói: "Đội chúng tôi là đội có nhiều cầu thủ chơi ở giải hạng Nhất theo diện cho mượn. Nói thật, bây giờ tôi rất lo bởi dấu hiệu tiêu cực ngày càng nhiều.
Cầu thủ trẻ chưa có bản lĩnh nên dễ nghe theo. Một lần như thế là hỏng ngay. Chúng tôi đang xem xét tất cả hợp đồng cho mượn để có môi trường thích hợp cho các em phát triển".
Nỗi lo của các đội bóng cũng là nỗi lo của các nhà quản lý giải đấu và xa hơn là sức mạnh của đội tuyển Việt Nam. Không ai dám chắc rằng, còn bao nhiêu cầu thủ dính tiêu cực chưa bị đưa ra ánh sáng. Liệu có ai trong số đó là những tuyển thủ U19 Việt Nam và U23 Việt Nam?
Nếu thế hệ trẻ của bóng đá Việt Nam tiếp tục sa ngã và dính vào tiêu cực từ khi chưa lên thi đấu chuyên nghiệp, tính minh bạch và chất lượng của V.League cũng như giải hạng Nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước đây, VFF chỉ có thể phạt nặng nhất là cấm thi đấu dài hạn. Việc nhóm cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu bị khởi tố sẽ là lời cảnh tỉnh cho các đồng nghiệp, đừng đùa với pháp luật bởi họ có thể phải trả giá rất đắt!