Tổng công ty Thăng Long (mã chứng khoán TTL) tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải gồm nhiều xí nghiệp thành viên hạch toán tập trung với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985). Đây là cây cầu lớn nhất tại thời điểm đó với quy mô 2 tầng, tầng dưới là đường sắt và đường bộ, tầng trên là đường ô tô rộng 23m với tổng chiều dài toàn cầu trên 10km.
Doanh nghiệp sa sút...
Dù là doanh nghiệp tên tuổi và có lịch sử lâu đời nhưng TTL đang rơi vào khó khăn do hiệu quả kinh doanh sụt giảm. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, quý I/2020, doanh nghiệp từng làm cầu Thăng Long chỉ đạt doanh thu 61,4 tỷ đồng giảm 55,9% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt hơn 4,9 tỷ đồng giảm xấp xỉ 50%. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1,1 tỷ đồng giảm 10,8%.
Nguyên nhân sa sút lợi nhuận theo Tổng công ty Thăng Long là do doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính sụt giảm.
Trong 2019, công ty mẹ TTL cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 12,2 tỷ đồng giảm 32,5% so cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu Tổng công ty Thăng Long khá thấp và giao dịch ảm đạm. Chốt phiên 19/6, mã TTL đứng mức 7.200 đồng/cổ phiếu (dưới mệnh giá) và không có giao dịch. Từ 1/1-19/6, mã TTL trải qua 114 ngày giao dịch, biến động giá giảm 44%, tương đương mỗi cổ phiếu “bay” 5.700 đồng.
Tổng công ty Thăng Long được cổ phần từ 2014 sau thời gian dài kinh doanh kém hiệu quả, chủ yếu dựa vào vốn vay, nhiều khoản nợ phải thu tồn đọng, hiệu quả sản xuất kinh doanh sụt giảm. Ngoài công ty mẹ, hầu hết các công ty con rơi vào thua lỗ.
Cổ đông lớn của TTL hiện có Tasco sở hữu 38,6% vốn, SCIC sở hữu 25% vốn, Ngân hàng SHB sở hữu 7,1% vốn…
... cầu cũng xuống cấp
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay, sau hơn 20 năm sử dụng, cầu Thăng Long bị hư hỏng bề mặt, lớp dính bám giữa bê tông nhựa và lớp chống thấm trên bản mặt thép bị suy giảm, gây trượt, tạo các vết nứt ngang, nứt xiên, dồn cục bê tông nhựa trên mặt cầu. Mặc dù đã được sửa chữa lớn 2 lần và duy tu thường xuyên, song tình trạng xuống cấp đối với cầu này vẫn thường xuyên xảy ra.
Cầu Thăng Long có kết cấu phức tạp, giàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, luôn phải chịu tải trọng xe lớn và ngày càng gia tăng trên cầu, cùng với đó là tải trọng tàu hỏa...tạo ra các dao động biến dạng. Mặt cầu chịu kéo theo cả hai phương dọc và ngang nên đã hư hỏng theo thời gian.
Do đó, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, công tác sửa chữa sẽ được áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại và có chuyên gia nước ngoài giám sát thi công, dự kiến kinh phí cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này sẽ hết khoảng 270 tỷ đồng.
Cụ thể, công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, sau đó hàn các đinh neo thép vào bản thép mặt cầu. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt lưới thép, đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao, cuối cùng sẽ phủ nhựa tạo nhám mặt cầu. Khe co giãn đã hư hỏng cũng sẽ được sửa chữa để khi sửa xong sẽ tăng khả năng chịu lực, đảm bảo mặt cầu có tuổi thọ trên 10 năm.
Ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định, công nghệ này được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu 2 năm nay, trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng. Ở Việt Nam, công nghệ này còn khá mới mẻ tuy nhiên đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công.
Trả lời về những lo ngại trong việc phân luồng giao thông, ông Huyện cho biết, trước khi khởi công sửa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ sẽ có thông tin về vấn đề này. Trong quá trình sửa chữa, sẽ cấm hoàn toàn các phương tiện qua cầu.
Mặt cầu Thăng Long từng trải qua nhiều lần sửa chữa. Dù đã được áp dụng nhiều biện pháp tuy nhiên đến nay tình trạng mặt cầu bị hư hỏng vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Công tác tìm kiếm các chuyên gia và giải pháp công nghệ sửa chữa mặt đường cũng được Tổng cục Đường bộ liên tục thực hiện. Tháng 8/2018, Tổng cục Đường bộ có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 phương án xử lý mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đang bị hư hỏng khá nặng. Cùng với đó, đơn vị cũng đề xuất mời chuyên gia Nga hỗ trợ.
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỉ của tình hữu nghị Việt - Xô.
Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 tổ chức duy tu bảo dưỡng thường xuyên đã sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo an toàn giao thông.
Vẫn theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, cách đây 2 năm khi cầu Thăng Long hư hỏng, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu công nghệ gốc (của Nga) và mời giám đốc điều hành đơn vị thiết kế cầu Thăng Long sang Việt Nam nghiên cứu phương án sửa chữa.
Chuyên gia Nga đã khảo sát cầu Thăng Long, nghiên cứu các phương án và trả lời không tham gia dự án này. Do đó, Tổng cục Đường bộ không sử dụng phương án sửa chữa theo công nghệ của Nga mà phải tìm giải pháp khác.