Ông Lê Văn Trợ (83 tuổi) và bà Hoàng Thị Lê (85 tuổi) sống vui vẻ, hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Mọi người quanh vùng còn khen ông bà sống có tình làng, nghĩa xóm. Khi có đám cưới, cô dâu chú rể luôn mời cho được ông bà đến dự để lấy hên.
Đó là ông bà nội của tôi. Ông bà có với nhau 8 người con. Một chú theo đường tu hành, các cô chú còn lại đều lập nghiệp và lập gia đình ở riêng. Ba tôi là con trai đầu nên sống cùng ông bà. Nhưng khi tôi vừa tròn 6 tuổi, ba mẹ tôi đã vào Nam làm ăn. Căn nhà nhỏ chỉ còn ông bà và chị em tôi.
Vào những ngày lễ dành cho phụ nữ, ông vẫn không quên tặng hoa cho bà |
Ông bà cưới nhau thời còn chiến tranh nên cũng chẳng có mâm cao cỗ đầy gì. Ông nhớ lại: “Hồi đấy cũng không yêu đương gì như tụi nhỏ ngày nay, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Chỉ cần bưng mâm trầu cau đựng trong cái nón lá rách sang hỏi vợ là bà nên vợ thành chồng cùng ông”.
Ông vào bộ đội, làm lính lái xe, thỉnh thoảng mới về nhà được ít hôm. Vậy mà lúc vừa lấy chồng, bà bẽn lẽn, không quen với việc ngủ cùng nên bà xuống phía dưới nhà nằm một mình. Mãi đến khi mẹ chồng động viên, mẹ đẻ năn nỉ bà mới chịu… động phòng.
Suốt hơn 60 năm, ông bà sống bên nhau êm ấm, nuôi dạy con cái thành người. Các con đi làm ăn xa, ông bà cùng hai cháu nhỏ cứ bình lặng sống bên nhau. Ông bà thay nhau chăm sóc, dạy dỗ chị em tôi đến lớn. Hành động của ông bà chính là tấm gương dạy cho chúng tôi nên cư xử trong xã hội như thế nào là chuẩn mực, làm thế nào chăm sóc tốt cho bản thân.
Ông thường bảo tôi: “Chị em trong nhà phải biết nhường nhịn nhau, trong nhà hay ra đường phải biết cư xử lễ phép, biết kính trên nhường dưới”. Chị em tôi cứ như vậy, sống ngoan hiền, tử tế với mọi người.
Ông bà chung sống thuận hòa, nhưng mấy chục năm cũng khó tránh những lúc xung đột. Mỗi khi giận nhau, người này cáu thì người kia im lặng hoặc đi ra ngoài. “Dù giận nhau đến mấy thì ông bà vẫn ngồi ăn cơm cùng nhau” - bà chia sẻ bí kíp để giúp nhau hóa giải mọi giận hờn.
Bà kể với tôi: “Một thời trai trẻ, ông mê đánh bài lắm. Có đợt, bà một tay bế ba cháu, một tay cầm gậy đi bộ gần 20 cây số để bắt tại trận ông đang đánh bài. Đợt ấy, bà giận quá, bế ba mày về nhà ngoại ở và không thèm nói chuyện với ông suốt một tuần liền”.
Từ đó, ông thôi luôn thói quen bài bạc.
Tôi nhớ, có lần ông mải mê với việc đồng áng, bà gọi hoài ông không nghe. Bà phải ra đến nơi gọi ông vào. Bà không thèm nói chuyện với ông mấy ngày trời. Nhưng chỉ ít hôm là hai người lại vui vẻ như chưa có chuyện gì. Ông nói: “Trong cuộc sống ông và bà, khi không vừa ý cũng có cãi nhau nhưng không ai để bụng lâu. Ông bà luôn cố gắng sống tử tế để làm gương cho con cháu, không để mang tiếng với sui gia, xóm làng”.
Ông nhỏ hơn bà 2 tuổi, lúc nào bà cũng làm oai, giả vờ quát ông: “Tui làm chị đấy nhé, việc gì ông cũng phải nhường tôi”. Rồi bà cười hiền nhìn ông cũng cười hiền.
Ông bà đã trên 80 tuổi nhưng còn khỏe. Chỉ có một lần, ông bệnh phải nhập viện cả tuần. Bà lo ông ở viện khó ăn nên lụi hụi nấu cơm, nấu cháo rồi bảo con dâu gần nhà mang cho ông. Sau khi ra viện, ông lại xung phong làm việc nhà.
Dù tuổi cao, ông bà vẫn đưa nhau đi chơi |
Những ngày rảnh rỗi, ông chở bà đi thăm người thân, hàng xóm, thỉnh thoảng chở bà đi chợ xa. Đến mùa cấy lúa, hai ông bà người trước kẻ sau cầm cái dặm lúa ra đồng. Quanh vườn, ông bà tự tay trồng khoai, mì, rau cỏ để phụ vào bữa ăn của gia đình. Dù các con đều đặn gửi tiền hằng tháng nhưng ông bà vẫn lao động. Bà nói: “Tiền con cháu gửi, bà để dành lúc đau ốm. Còn bây giờ, vẫn khỏe, làm mà ăn, làm cho vui cái tuổi già”.
Lối sống của ông bà cũng giúp tôi nhận được năng lượng tích cực từ người lớn tuổi. Ở tuổi 83, ông bà vẫn đủ khỏe để đi thăm con cháu ở Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà vẫn còn sức nấu ăn cho con cháu mỗi khi con cháu bận việc.
Cứ như vậy, gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc. Bà là mẹ chồng yêu quý các con dâu. Đối với các cháu nội, ngoại, bà vẫn luôn bao dung. Năm vừa rồi, thím tôi mất ở Đắk Nông nhưng đem về quê mai táng. Lo việc xong đâu vào đấy, hai ông bà lại khăn gói cùng chú và hai cháu nhỏ vào Đắk Nông. Ông bà luôn tay trong tay để đi cùng nhau.
Bà tâm sự: “Vợ chồng bên nhau mấy chục năm. Không mong gì hơn, chỉ mong vui vẻ sống cùng con cháu, an hưởng tuổi già”.
Vân Trình