Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho hai tượng voi đá thành Đồ Bàn (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định) thuộc quyền quản lý, sở hữu của Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Hai tượng voi đá thành Đồ Bàn được đặt đứng chầu trước cửa Vệ môn (thành Nội) thuộc khu di tích thành Hoàng Đế.
Thành Hoàng Đế được nhà Tây Sơn xây dựng trên cơ sở kinh thành Đồ Bàn của Champa và mở rộng thêm về phía Đông, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích quốc gia năm 1982.
Theo hồ sơ di tích, 2 tượng voi đá này là những tác phẩm thuộc nền điêu khắc Chăm, được tạo từ chất liệu là đá sa thạch và được xem là hiện vật gốc, độc bản trong phong cách điêu khắc Chăm ở thế kỷ 12.
Trong đó, tượng voi cái cao 1,76m, dài 2,2m, rộng 0,85m, trọng lượng ước khoảng 750kg. Tượng được tạo tác trong tư thế động, thân voi thẳng, dáng đang đi, hai chân sau được tạo liền khối với hai chân trước và đế tượng, đồ trang sức thể hiện những đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc Champa.
Tượng được tạo tác đẹp, động tác tự nhiên, sống động, toát lên vẻ quyền quý và vương giả.
Tượng voi đực cao 2m, dài 2,4m, rộng 1m, trọng lượng ước khoảng 800kg. Tượng được tạc trong tư thế động, đứng trên bệ đá liền khối hình chữ nhật, hai chân bên trái đang bước tới phía trước.
Đầu voi ngẩng cao, vòi buông xuôi xuống như đang dùng vòi nhổ cây lên - một hình tượng phổ biến trong nghệ thuật tạc tượng voi Champa.
Theo người dân địa phương, vào các dịp lễ Tết, không chỉ người dân trong vùng mà còn có rất nhiều người từ xa, thậm chí ở tỉnh khác cũng tìm đến chiêm bái hai tượng voi đá.
Bà Phan Thị Trọng (88 tuổi), hàng ngày bán nước ở gần đó cho hay, bà sống ở đây hơn 70 năm và đã thấy hai tượng voi đặt ở đây rồi. Người dân tin rằng, hai tượng voi đá này như "hai vị thần" ở đây bảo vệ, che chở cho dân làng.
Bình Định hiện có 11 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Trong số này, có 6 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, phù điêu thần Brahma, phù điêu nữ thần Sarasvati, phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa (cùng niên đại thế kỷ XII); cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn (niên đại thế kỷ XII - XIV);
Cặp tượng Hộ pháp niên đại thế kỷ XII - XIII lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn); tượng thần Shiva niên đại thế kỷ XV được lưu giữ tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) và cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn vừa được công nhận.